Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Sửa đổi)

Nếu cần kíp, có thể trình dự án luật vào bất cứ thời điểm nào trong năm

(PLVN) - Nếu có vấn đề bất cập phát sinh từ thực tiễn, các cơ quan có thể đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết vào Chương trình lập pháp của Quốc hội. Hồ sơ đề xuất cũng sẽ rất đơn giản, chỉ có tờ trình. Đây là một trong các đề xuất về đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội được nêu tại Tờ trình Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi đang được Chính phủ trình ra Quốc hội.
Trường hợp cần thiết để giải quyết ngay vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án luật, nghị quyết, đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình ( Ảnh minh hoạ một phiên họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV)
Trường hợp cần thiết để giải quyết ngay vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án luật, nghị quyết, đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình ( Ảnh minh hoạ một phiên họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV)

Định hướng lập pháp nhiệm kỳ

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và nội dung Đề án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, dự thảo Luật quy định xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội và xây dựng chương trình lập pháp hằng năm với tính chất linh hoạt cao và nhằm mục đích định hướng cho hoạt động lập pháp. Quy trình xây dựng chính sách sẽ được tách bạch ra khỏi việc lập Chương trình lập pháp.

Cụ thể, về xây dựng, triển khai thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, dự thảo Luật quy định về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, nội dung và việc tổ chức triển khai thực hiện định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Chính phủ, cơ quan, tổ chức xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, hoàn thành trước ngày 01 tháng 10 của năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khoá mới, để trình Bộ Chính trị phê duyệt.

Việc quy định thời điểm thông qua Định hướng như trên sẽ bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ trong việc xây dựng Định hướng với việc tổng kết thực hiện Đề án định hướng của nhiệm kỳ hiện tại và có khoảng thời gian phù hợp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện theo văn kiện Đại hội đảng khóa mới, báo cáo Đảng ủy Quốc hội nhiệm kỳ mới trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua Đề án.

Định hướng lập pháp nhiệm kỳ được xây dựng dựa trên các căn cứ như chủ trương, đường lối của Đảng, các định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước theo văn kiện Đại hội và các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kết quả thực hiện Định hướng lập pháp của nhiệm kỳ hiện tại, yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; vấn đề mới, xu hướng mới cần có pháp luật điều chỉnh; yêu cầu giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn.

Nội dung định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội bao gồm danh mục các nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết và được phân kỳ theo thứ tự ưu tiên hằng năm của nhiệm kỳ Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện ngay sau khi Định hướng được phê duyệt. Theo đó, Chính phủ có thể chủ động giao các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng chính sách, soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết ngay từ thời điểm này.

Dự án luật sẽ được trình thường xuyên, liên tục trong năm

Về xây dựng, triển khai thực hiện chương trình lập pháp hằng năm, dự thảo Luật quy định thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hành năm sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đảm nhiệm.

Trình tự, thủ tục lập Chương trình sẽ đơn giản, gồm 03 bước.

Bước 1: Đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết: căn cứ định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội và yêu cầu giải quyết vấn đề bất cập phát sinh từ thực tiễn (nếu có), các cơ quan đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết vào Chương trình. Hồ sơ đề xuất đơn giản, chỉ có tờ trình, trong đó nêu rõ sự cần thiết, mục đích ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; các vấn đề cụ thể để xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập có nguyên nhân từ pháp luật; vấn đề mới, xu hướng mới và các nội dung cần thiết khác (nếu có); thời gian dự kiến trình và thông qua.

Dự thảo Luật quy định thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hành năm sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đảm nhiệm ( Ảnh minh. hoạ)

Dự thảo Luật quy định thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hành năm sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đảm nhiệm ( Ảnh minh. hoạ)

Bước 2: Rà soát, đề xuất ý kiến về dự kiến chương trình: Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chủ trì, phối hợp cơ quan trình, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội rà soát, đề xuất ý kiến về dự kiến chương trình hằng năm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bước 3: Xem xét, thông qua chương trình: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, thông qua nghị quyết về chương trình lập pháp hằng năm (nêu rõ tên luật, pháp lệnh, nghị quyết; cơ quan trình và thời gian dự kiến trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua).

Về thời điểm gửi đề xuất và thời điểm thông qua chương trình lập pháp hằng năm, dự thảo Luật quy định chậm nhất ngày 01 tháng 8 của năm trước, đề xuất phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lập dự kiến chương trình lập pháp của năm tiếp theo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chương trình lập pháp năm tiếp theo trước ngày 01 tháng 10 hằng năm.

Quy định này sẽ bảo đảm khoảng thời gian hợp lý để các cơ quan chủ động chuẩn bị dự án luật và trình. Theo đó, các cơ quan sẽ có khoảng từ 8 tháng đến 12 tháng để hoàn thành việc xây dựng chính sách, soạn thảo và trình dự án luật để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, quyết định đưa vào kỳ họp chính thức của Quốc hội. Việc trình các dự án luật sẽ thực hiện thường xuyên, liên tục, bất kể thời điểm nào trong năm, khi các cơ quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng.

Để bảo đảm tính linh hoạt, thông thoáng của chương trình lập pháp, khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật quy định, trường hợp cần thiết để giải quyết ngay vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án luật, nghị quyết, đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình.

Đọc thêm