Miếng bánh ngon không được chia đều?
Với mức tiêu thụ 3,8 tỷ lít năm 2015, Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất Châu Á. Theo cơ quan nghiên cứu ngành bia Canadean, năm 2015, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam là 41 lít/người, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản tại Châu Á, với mức tăng trưởng 6-6,5%/năm. Lý do khiến Việt Nam trở thành thị trường lớn đối với bia là thức uống này được đặc biệt ưa chuộng tại đây.
Hiện năng lực sản xuất của toàn ngành bia đã đạt 4,8 tỷ lít. Theo quy hoạch ngành bia của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất ngành đến năm 2020 đạt 90.500 tỷ đồng. Thị trường bia Việt là miếng bánh ngon nhưng không chia đều cho tất cả. 4 doanh nghiệp lớn nhất đang thống lĩnh chiếm tới 90% thị trường bia Việt đó là Sabeco, Heineken NV, Habeco và Carlsberg.
Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Sabeco là doanh nghiệp có thị phần bán bia lớn nhất Việt Nam, chiếm 40% lượng tiêu thụ cả nước, đối thủ Heineken NV cũng đang tăng tốc rất nhanh nắm giữ 25% thị trường. Trong khi đó, Habeco đang bị tụt lại, đánh mất thị phần số 2 vào tay Heineken, hiện chỉ nắm 18% thị phần, ngoài ra Carlsberg nắm giữ 10.8% thị phần. Ngoài ra, thị trường bia còn có sự góp mặt của các đại gia đình đám như Sapporo, AB InBev, Masan song thị phần vẫn ở mức khiêm tốn.
Habeco hiện nắm 18% thị phần trên thị trường bia Việt Nam |
Tên gọi của các loại bia đã phần nào thể hiện được thị trường chiếm lĩnh. Sabeco thống lĩnh thị trường miền Nam với các loại bia trung cấp, cao cấp vừa túi tiền như Saigon Export, Saigon Lager, Saigon Special, 333. Habeco lại tập trung ở phân khúc thấp và trung cấp với nhãn hiệu nổi tiếng là Bia Hà Nội. Carlsberg tiêu thụ lớn nhất ở miền Trung và một phần ra Bắc, với các dòng bia hợp túi tiền người Việt như Huda, Huda Gold, Tuborg…
Đáng chú ý, Heineken NV là một gã khổng lồ tập trung vào phân khúc cao cấp với các dòng bia nổi tiếng như Heineken, Tiger, Tiger Crystal, Larue, Strongbow…
Heineken NV hoạt động tại Việt Nam thông qua hai công ty con là Heineken Vietnam Brewery và APB Hà Nội. Heineken NV có thị phần 67% tại phân khúc cao cấp tại Việt Nam, trong đó 40% thuộc về thương hiệu Tiger và 27% thuộc về thương hiệu Heineken. Đối thủ chính tại phân khúc này là Sabeco với thương hiệu Saigon Special, thị phần ước đạt 28%.
Sản lượng bán ra của Heinerken NV đạt tăng trưởng kép 14% trong giai đoạn 2012 - 2015. Trong đó nhãn hiệu Tiger, có giá vừa túi tiền, là yếu tố trụ cột, với sản lượng bán ra đạt tăng 36%/năm. Sản lượng bán ra của Sabeco tăng 6,4% từ 2012-2015, cao hơn so với con số của toàn ngành là 4,5%.
Như vậy, phần lớn ngành bia hiện trong tay Heineken, Sabeco. Hơn nữa, Heineken lại là cổ đông lớn của Sabeco và đang lên kế hoạch mua lại cổ phần khi Nhà nước thoái vốn tại đây. Cuộc đua ngành bia tưởng chừng như gay gắt nhưng thực chất lại nằm trong tay hai gã khổng lồ có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Về phía Carlsberg, hãng này cho biết thị phần bia ổn định và có sự tăng trưởng năm 2016 nhờ tung ra thương hiệu Tuborg nhắm vào người tiêu dùng trẻ tuổi, thích tiệc tùng của Việt Nam.
So với các nỗ lực xây dựng thương hiệu và tiếp thị của Sabeco và Heineken, Habeco bị trượt dài trong cuộc đua, thị phần bị thu hẹp khi Sabeco mở rộng ra miền Bắc. Theo nghiên cứu thực hiện bởi Nielsen, thị phần của Sabeco ở miền Bắc đã tăng từ 10% trong năm 2014 lên 14% trong năm 2015 và 15,5% trong 6 tháng đầu năm 2016.
Nếu Carlsberg mua được Habeco, trật tự ngành được sắp xếp lại?
Ông vua bia miền Bắc đang tụt dốc do thiếu hụt thương hiệu và sản phẩm trong khi các đối thủ cạnh tranh đang đẩy mạnh Bắc tiến. Doanh thu, lợi nhuận, thị phần đều có xu hướng giảm. Habeco đang đối mặt với những thử thách do không thành công trong phân khúc cao cấp vốn đang là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bia Việt Nam. Trúc Bạch, dòng sản phẩm cao cấp của Habeco, đã thất bại do khả năng làm thương hiệu và marketing yếu.
Năm 2008, cổ phiếu BHN được đấu giá công khai với giá khởi điểm 50.0000 đồng. Khi đó, 5 nhà đầu tư đã đăng ký mua nhưng Carlsberg đã lọt vào mắt xanh và mua vào 16% vốn cổ phần của Habeco. Hai bên đã ký bản cam kết với điều khoản riêng, trong đó có quyền ưu tiên mua cổ phần khi Chính phủ thoái vốn tại Habeco. Hiện tại Carlsberg đang sở hữu 17,5% sau khi mua thêm 1,5% trên thị trường tự do. Năm 2012, Carlsberg được chấp thuận nâng sở hữu lên 30% tại Habeco nhưng sau đó thay đổi nên việc bán vốn bị hoãn lại. Carlsberg đợi từ năm 2008 đến nay, cuộc chờ đợi dài gần một thập kỷ để nâng sở hữu tại Habeco. Nếu như có được Habeco, trật tự thị trường bia của Việt Nam sẽ được sắp xếp lại. Khi đó, Carlsberg sẽ nâng thị phần lên trên 28% bao gồm các thương hiệu lớn là Bia Hà Nội, Huda, Tuborg trở thành đối thủ của Heineken và Sabeco.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg gần đây, ông Cees 't Hart, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Carlsberg đã chia sẻ: “Một điều rõ ràng rằng chúng tôi mong muốn có được cổ phần cao hơn tại Habeco, trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ Việt Nam đang thực hiện cổ phần hóa tại Vinamilk, Sabeco và Habeco, chúng tôi đang đàm phán với Chính phủ Việt Nam để gia tăng cổ phần ở Habeco. Carlsberg có quyền ưu tiên mua được CP công nhận.”
Thị trường sẽ trở nên hấp dẫn, cạnh tranh hơn khi có 3 đại gia ngang tài ngang sức thống lĩnh là Sabeco, Carlsberg và Heineken. Khi cạnh tranh minh bạch cả về chất lượng, sản phẩm, người hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng.
Những khó khăn của Habeco là hiện hữu giống như trường hợp của Huda trước đây. Sự có mặt của Carlsberg đã khiến hãng bia này "cởi bỏ" chiếc áo cũ kĩ để xây dựng một hình ảnh mới hiện đại, phù hợp thị hiếu, khẩu vị người tiêu dùng. Giờ đây Huda không chỉ tiêu thụ ở miền Trung mà còn Bắc tiến, Nam tiến.
Để ngăn đà trượt dốc Habeco cần được cải tổ toàn diện. Việc thoái vốn của Nhà nước mới đây được tái khởi động khi Chính phủ tuyên bố không đi bán bia, bán sữa. Việc thoái vốn nhằm mục đích tìm ra một nhà đầu tư chiến lược có thể gánh vác sứ mệnh vực dây thương hiệu bia vang bóng một thời này. Carlsberg - hãng bia lớn thứ ba thế giới, có mặt tại 150 thị trường khắp thế giới. Nhìn vào hành trình phát triển của hãng bia này, có thể thấy M&A là công cụ hữu hiệu để mở rộng vị thế. Hãng bia này đến nay đã sở hữu khoảng 500 thương hiệu bia lớn. Điều đặc biệt ở Carlsberg đó là công ty không ngừng gia tăng sức mạnh thương hiệu cho các doanh nghiệp mua lại.
Chia sẻ về điều này, ông Cees ‘t Hart cho biết,“Carlsberg có cam kết mạnh mẽ đối với Việt Nam, từ thành công của thương hiệu bia Huda ở miền Trung, chúng tôi đã chứng minh bằng thực tế năng lực làm lớn mạnh các thương hiệu nội địa. Chúng tôi tin tưởng rằng Carlsberg có thể làm điều tương tự với thương hiệu bia Hà Nội”.
Chứng minh cho những gì vị CEO nói, Carlsberg Việt Nam cho biết, kể từ khi mua lại Công ty Bia Huế vào năm 2011, họ đã đầu tư đáng kể vào việc làm mạnh thương hiệu bia Huda, từ đó tăng thị phần tại khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) từ 46% lên 54%, tại Đà Nẵng từ 1% lên 20% trong suốt 4 năm qua.