Nếu 'kịch bản' lạc quan chưa đến sớm với ngành hàng không?

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Với "kịch bản" lạc quan, vận chuyển hành khách trong nước sẽ phục hồi vào cuối năm này và vận chuyển hành khách quốc tế phục hồi vào đầu năm 2023. Còn nếu không được như mong muốn, ngành này phải làm gì?

Từ góc độ quản trị, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hàng không cần có những thay đổi để thích ứng sau đại dịch.
Từ góc độ quản trị, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hàng không cần có những thay đổi để thích ứng sau đại dịch.

Hàng không quốc tế ít khách

Tại hội thảo bàn về phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới được tổ chức hôm qua 24/5, ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trải qua 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hàng không là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có thời điểm gần như “đóng băng” hoàn toàn, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) hàng không giảm sâu doanh thu.

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành hàng không có nhiều khởi sắc, nhất là thị trường hàng không nội địa. Trong 4 tháng đầu năm 2022, thị trường nội địa đã gần đạt mức cao điểm trước dịch (tức năm 2019), tới cuối năm nay có thể tăng 1-2% so với năm 2019. Tuy nhiên, thị trường quốc tế chỉ đạt gần 7% so cùng kỳ năm 2019; cả năm 2022 dự báo mới đạt khoảng 1/3 so với năm 2019.

“Với các hãng hàng không, thị trường quốc tế mới là thị trường đem lại nhiều doanh thu và khả năng lợi nhuận. Việc khách quốc tế giảm mạnh như hiện nay và dự báo thị trường này cần nhiều thời gian hơn để phục hồi chính là một trong những thách thức lớn của ngành hàng không hiện nay” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, dù hàng không Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực từ thị trường nội địa nhưng những vấn đề chính trị quốc tế, giá năng lượng tăng mạnh đang trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không Việt Nam.

Ông Nề đề cập đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukaraina khiến giá xăng dầu tăng mạnh. Chiến dịch này cộng với việc Trung Quốc thực hiện chiến lược “zero COVID” đã ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, từ đó, du lịch quốc tế, hàng không quốc tế đều bị ảnh hưởng. Hàng không Việt Nam do đó không thể đứng ngoài.

“Riêng việc giá xăng dầu tăng cao mức kỷ lục, ngành hàng không nước ta đã chịu ảnh hưởng rất lớn khi giá nguyên liệu hiện nay chiếm đến khoảng 40% chi phí bay” - ông Nề nói.

Kịch bản nào cho ngành hàng không?

Cũng theo ông Bùi Doãn Nề, cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành hàng không hiện nay giảm hoặc xuống cấp. Chưa kể nhiều hãng hàng không phải bán bớt tàu bay để cân đối dòng tiền, việc dừng không bay cũng đòi hỏi phải bảo dưỡng, bảo trì máy bay và các thiết bị kỹ thuật, ngốn chi phí lớn.

Theo ông Nề, có 2 kịch bản phát triển của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, với kịch bản kỳ vọng, hoạt động ngành hàng không sẽ đạt mức cao điểm trước dịch bệnh vào cuối năm 2023, trong đó vận chuyển hành khách trong nước được phục hồi vào đầu năm 2023, vận chuyển hành khách quốc tế phục hồi vào giữa hoặc cuối năm 2023. Với kịch bản lạc quan, vận chuyển hành khách trong nước được phục hồi vào cuối năm 2022, vận chuyển hành khách quốc tế phục hồi vào đầu năm 2023.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng ngành hàng không liên tiếp phải trải qua nhiều thách thức. Nếu 2 năm trước là thách thức do dịch và đến bây giờ vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì nay xuất hiện thêm thách thức mới là việc giá nguyên liệu xăng dầu tăng nhanh và nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột ở UKraina.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nhìn từ góc độ quản trị, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hàng không cần có những thay đổi để thích ứng. Các hãng bay cần xây dựng lại giá vé máy bay, trong đó chia thành hai dạng là giá vé máy bay du lịch và giá vé máy bay công việc.

Để hỗ trợ các DN hàng không, ông Kiên cho rằng việc tiếp tục ban hành các chính sách để các DN này phục hồi và phát triển là hết sức cần thiết.

“Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, 35,3% nguồn vốn hỗ trợ ngành hàng không là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, 43,1% là các khoản cho vay và chỉ có 16,5% là cấp vốn chủ sở hữu”, TS Kiên cho biết.

Đọc thêm