Nếu tro xỉ nhiệt điện là hàng hóa?

(PLO) - “Nếu vật liệu không nung được thay thế theo đúng kế hoạch, mỗi năm nước ta có thể tiêu thụ 15 triệu tấn tro xỉ. Do đó, chỉ cần thay thế 70% vật liệu nung thì sẽ đem lại lợi ích kép như giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời không mất quỹ đất làm hồ chứa, bãi thải nhiệt điện”, ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà Cao Cường khẳng định.
Tro xỉ đã được sử dụng như một nguyên liệu đầu vào trong sản xuất gạch không nung
Tro xỉ đã được sử dụng như một nguyên liệu đầu vào trong sản xuất gạch không nung

Nguyên liệu đầu vào ngành vật liệu xây dựng

Theo báo cáo tổng hợp tình hình tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), với 12 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành thì tổng khối lượng than sử dụng trung bình năm khoảng 34 triệu tấn. Cùng với đó, tổng khối lượng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than của EVN phát sinh trung bình hàng năm là 8,1 triệu tấn. Hiện nay, khối lượng tro, xỉ đang còn lưu giữ tại các nhà máy nhiệt điện than gần 15 triệu tấn.

Lượng tro xỉ thải ra nhiều như vậy nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia năng lượng, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển nhiệt điện than tại nước ta cần được quan tâm đúng mức để đảm bảo an ninh năng lượng. Bởi tiềm năng các loại năng lượng như thủy điện, điện khí… đã đạt tới hạn, điện hạt nhân tạm dừng, các loại năng lượng tái tạo khác chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. 

Do đó, vấn đề xử lý tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than đang được đặt ở vị trí quan tâm hàng đầu, để vừa tiếp tục khai thác năng lượng hiệu quả từ các nhà máy nhiệt điện mà vẫn đảm bảo tốt công tác bảo vệ môi trường. 

Theo đó, hiện nay trên thế giới, việc sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng, làm vật liệu san lấp, lót nền đường đã rất phổ biến. Thậm chí, nhiều nhà máy nhiệt điện than của một số quốc gia lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc…, bãi xỉ gần như trống trơn vì được tiêu thụ rất nhanh.

Ở nước ta, sau 8 năm đưa ra chủ trương hạn chế vật liệu nung, thay vào đó là sử dụng  toàn bộ vật liệu không nung vào năm 2020 nhưng thực trạng cho thấy 18 tỷ viên gạch sản xuất mỗi năm vẫn là vật liệu nung, còn tỷ lệ vật liệu không nung tăng không đáng kể.

Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường khẳng định, nếu vật liệu không nung được thay thế theo đúng kế hoạch, mỗi năm nước ta có thể tiêu thụ 15 triệu tấn tro xỉ. Do đó, chỉ cần thay thế 70% vật liệu nung thì sẽ đem lại lợi ích kép như giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời sẽ không mất quỹ đất phải làm hồ chứa, bãi thải.

Hiện nay, ở nước ta tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Bắc đã được tái sử dụng làm phụ gia cho bê tông, xi măng, vữa xây dựng, gạch không nung với thị trường tiêu thụ tro xỉ tương đối ổn định. 

Một số loại vật liệu xây dựng được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện cũng đang được nghiên cứu hoặc ứng dụng như: sử dụng tro tuyển làm phụ gia bê tông; tro, xỉ làm phụ gia xi măng; làm vật liệu gia cố nền; vật liệu san lấp; làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông chưng áp...

Ngoài ra, một số đơn vị cũng đã đưa ra các giải pháp để tiêu thụ lượng tro xỉ như: công nghệ sản xuất gạch ngói không nung từ tro xỉ thải; ứng dụng tro bay của các nhà máy nhiệt điệt làm vật liệu xây dựng; phương pháp sản xuất cốt liệu xây dựng dùng cho san lấp từ tro bay...

Xử lý tro xỉ được tiền thay vì phải mua?

PGS-TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết, tổng nhu cầu than cho sản xuất điện của cả nước đến năm 2020 sẽ là 63 triệu tấn, năm 2025 là 95,4 triệu tấn và năm 2030 là 128, 4 triệu tấn, tương đương tổng lượng tro thải ra là 15,09 triệu tấn (năm 2020), 17 triệu tấn (năm 2025) và 20,58 triệu tấn (năm 2030). Vì vậy, theo ông Nghĩa, để đảm bảo các nhà máy nhiệt điện than hoạt động ổn định, cần khẩn trương tìm giải pháp để tiêu thụ lượng tro xỉ đang tiếp tục phát sinh và còn tồn tại các bãi thải xỉ hiện nay.

Theo thông tin từ EVN, hầu hết các nhà máy ở phía Bắc đã tìm và ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ phần lớn lượng tro xỉ của nhà máy. Điển hình như các nhà máy Phả Lại và Ninh Bình đã tiêu thụ hết hoàn toàn lượng tro xỉ của nhà máy. Chỉ còn lại Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh và Mông Dương 1 có khối lượng tro, xỉ chưa tiêu thụ còn nhiều. 

Các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Nam tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và Vĩnh Tân, dù mới đưa vào vận hành nhưng cũng đã làm việc với các đơn vị có khả năng tiêu thụ tro xỉ, tạo điều kiện để các đơn vị này tiến hành lấy mẫu thí nghiệm để đưa ra phương án tiêu thụ.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần phải ban hành các chính sách hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư nhà máy tuyển sử dụng tro xỉ như hỗ trợ về lãi suất, thuế thu nhập, thuế VAT, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đề xuất, nên quy định các đơn vị xử lý tro thải của các nhà máy điện được hưởng một phần chi phí chôn lấp tro thay vì phải mua như hiện nay. 

Với mục đích xử lý triệt để tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than và tận thu tái sử dụng vào sản xuất vật liệu xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đại diện EVN đã đưa ra cam kết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các đối tác tiếp cận nghiên cứu phương án vận chuyển và tiêu thụ tro xỉ.

Ngoài ra, EVN cũng sẽ phối hợp cùng với các đối tác làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro xỉ; sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trong việc tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo chất lượng tro xỉ.

Đại diện EVN cũng cho rằng, cần sửa đổi Nghị định 38/2015/NĐ-CP theo hướng xem tro xỉ nhiệt điện khi đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thì được coi là sản phẩm hàng hóa và không bị điều chỉnh theo quy định về chất thải công nghiệp thông thường. 

Đề xuất không coi tro xỉ là chất thải công nghiệp 

Đại diện EVN cũng cho rằng, cần sửa đổi Nghị định 38/2015/NĐ-CP theo hướng xem tro, xỉ nhiệt điện khi đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thì được coi là sản phẩm hàng hóa và không bị điều chỉnh theo quy định về chất thải công nghiệp thông thường.

Đọc thêm