Cùng với đó, TP cũng được phép quy định mức lương tối thiểu (17,22 USD/giờ) mà Uber, Lyft, cũng như những công ty taxi công nghệ khác phải trả cho lái xe. Đây được coi là “hình mẫu” cho các TP khác ở nước này để xây dựng các giải pháp kiềm chế sự phát triển của các hãng taxi công nghệ - nguyên nhân gây tắc nghẽn các tuyến phố, dù hình thức này thực sự đang cách mạng hóa giao thông.
Taxi công nghệ “giết” mòn taxi truyền thống
Quy định này được ban hành sau khi có báo cáo rằng sự gia tăng dịch vụ taxi công nghệ đã làm giảm giá taxi truyền thống, dẫn tới cắt giảm thu nhập của lái xe. Tình hình ngày càng trở nên khốc liệt đến mức khiến ít nhất 6 lái xe taxi đã tự sát vì khó khăn tài chính trong nửa đầu năm 2018. Những người ủng hộ đạo luật, bao gồm Thị trưởng Bill de Blasio, cho rằng, quy định mới sẽ giảm bớt sự tắc nghẽn giao thông và cải thiện tiền lương cho lái xe, nhưng những người phản đối khẳng định, quy định của TP sẽ gây khó khăn và đắt đỏ hơn cho việc đi lại của người dân.
Joseph Okpaku, Phó Chủ tịch về chính sách công cộng của Lyft tuyên bố, quy định hạn chế taxi công nghệ “sẽ đưa người dân New York trở lại thời kỳ phải tranh giành để có được một chuyến đi, đặc biệt là cho các cộng đồng da màu và ở các quận bên ngoài trung tâm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bao giờ dừng làm việc để đảm bảo người dân New York tiếp cận được các phương thức giao thông đáng tin giá cả phải chăng ở mọi quận của TP”.
Theo một báo cáo gần đây, khoảng 80.000 lái xe trong TP đã tham gia 4 công ty “taxi công nghệ” là Juno, Lyft, Uber và Via. Số lái xe công nghệ trong TP đã tăng từ 12.600 (2015) lên 14.000 hiện nay. Rất nhiều lái xe Uber tham gia ngành công nghiệp taxi đã ủng hộ đề xuất của TP. “Người lao động và lãnh đạo TP New York hôm nay đã làm nên lịch sử. Chúng tôi tiếp tục chiến đấu vì những gì chúng ta biết là đúng” - Ryan Price, Giám đốc điều hành Independent Driver’s Guild (tổ chức đại diện cho hơn 65.000 lái xe công nghệ) nói.
Uber tính “lách” luật để phát triển
Ở các TP của Mỹ và nhiều nước khác, Uber nói riêng và các hãng xe công nghệ nói chung đã “đụng độ” với chính quyền ở Austin, Texas và ở các TP khắp châu Âu. London (Anh) cũng đe dọa không gia hạn giấy phép để hoạt động trong TP của Uber. Nhưng sau khi Uber đồng ý chia sẻ ẩn danh dữ liệu chuyến đi với các nhà quy hoạch TP, giới hạn thời gian hoạt động và thực hiện các thay đổi khác, London đã thay đổi quyết định này. Để “lách” quy định mới nhằm vào giấy phép hoạt động cho xe chứ không phải các lái xe công nghệ, Uber đã có kế hoạch yêu cầu các tài xế hiện tại của công ty chia sẻ xe với các tài xế mới. Uber hy vọng sẽ mở rộng quy mô hoạt động sự hiện diện của nó trong TP cho dù có luật nhằm hạn chế sự phát triển của các hãng taxi công nghệ.
Năm 2015, ông Bill de Blasio đã có nỗ lực bất thành trong việc kiềm chế Uber. Kể từ đó đến nay, số xe taxi công nghệ ở New York đã tăng vọt từ 60.300 tới hơn 100.000 xe. Ngoài ra, theo một cuộc nghiên cứu độc lập, nếu TP ấn định mức lương tối thiểu (sau khi trừ các chi phí) là 17,22 USD thì thu nhập trung bình của các tài xế sẽ tăng 22,5%. Hiện có tới 40% số tài xế xe công nghệ có thu nhập thấp đến mức đủ tiêu chuẩn hưởng bảo hiểm y tế dành cho người nghèo Medicaid và khoảng 18% đủ tiêu chuẩn được cấp tem lương thực.
Thị trưởng TP trong một tuyên bố trên trang cá nhân nhấn mạnh, “TP của chúng ta đang trực tiếp đối mặt với một cuộc khủng hoảng khiến người dân New York rơi vào cảnh nghèo đói, đường phố tắc nghẽn. Sự tăng trưởng không được kiểm soát của các công ty cho thuê xe dựa trên ứng dụng đã buộc TP phải hành động”, và đạo luật vừa được ban hành là những gì TP này cần. Việc hạn chế cấp giấy phép mới cho taxi công nghệ sẽ ngay lập tức có hiệu lực sau khi Thị trưởng New York Bill de Blasio ký thành luật.