Nga cấm nhập cảnh 8 quan chức Mỹ, sẽ trục xuất 10 nhân viên ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 16/4, Bộ Ngoại giao Nga công bố cấm nhập cảnh Nga đối với 8 quan chức cao cấp của Mỹ. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ yêu cầu 10 nhân viên ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này để trả đũa cho quyết định tương tự của Washington.
Văn phòng Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: TASS
Văn phòng Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: TASS

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Nga đã cấm nhập cảnh đối với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray. Ngoài 2 quan chức cấp cao nói trên, 6 quan chức Mỹ khác  cũng bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh vào Nga.

"Để đáp trả lệnh trừng phạt ngày 2/3 của chính quyền Mỹ đối với các quan chức Nga, các quan chức và nhân vật cấp cao đương nhiệm và cũ của Mỹ, những người đã tham gia thực hiện chính sách chống Nga, đã bị từ chối nhập cảnh vào Liên bang Nga", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Trong số những người bị cấm nhập cảnh khác có Giám đốc Cục Trại giam Liên bang Mỹ Michael Carvajal, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia và Đại diện Thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và Đại diện Thường trực tại LHQ John Bolton, cựu giám đốc CIA Robert Woolsey.

Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra rằng, quyết định trên được thực hiện do "tính chất phức tạp chưa từng có trong quan hệ Nga-Mỹ”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moscow sẽ yêu cầu 10 nhân viên ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này để trả đũa cho quyết định tương tự của Washington liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và những hành động "thâm độc" khác.

Phát biểu tại buổi họp báo với người đồng cấp Serbia Nikola Selakovic đang có chuyến công du Nga trong 2 ngày, Ngoại trưởng Lavrov cho hay, Moscow cũng đang cân nhắc áp dụng những biện pháp “gây đau đớn” có thể nhằm vào doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Nga.

Bên cạnh đó, Moskva cũng sẽ chấm dứt hoạt động của các quỹ và tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ, vốn can thiệp vào các công việc nội bộ của Nga.

Cũng theo Ngoại trưởng Lavrov, ông Yury Ushakov - cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin - đã kiến nghị rằng Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan nên trở về Washington để thực hiện “những cuộc tham vấn nghiêm túc.”

Trước đó, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất về một cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Mỹ ngày 15/4 đã công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của nước này.

Lý do được đưa ra là đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc là sự can thiệp của Điện Kremlin vào bầu cử Mỹ và tấn công mạng quy mô lớn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo trừng phạt 8 cá nhân và thực thể liên quan tới việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea.

Ngay lập tức, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố Nga coi bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ cũng là bất hợp pháp và sẽ đáp trả phù hợp.

Đọc thêm