Hãng tin TASS dẫn thông tin từ Quân khu phía Nam của Nga cho biết, cuộc tập trận đặc biệt chú ý đến hỏa lực pháo binh.
Ở giai đoạn kết thúc, các lực lượng của Nga đã đưa các bệ phóng tên lửa quy mô lớn và phóng tên lửa từ các hệ thống Iskander, Bal và Bastion; các hệ thống tên lửa phóng đa điểm Tornado-G và Uragan, pháo phản lực tự hành Msta-S, Akatsiya và Gvozdika; súng tự hành Nona và các bệ phóng khác.
Theo giới chức Nga, cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 8.000 binh sỹ, khoảng 3.000 hệ thống tên lửa và pháo binh tại các thao trường ở các khu vực Astrakhan, Rostov, Volgograd, Krasnodar và Stavropol, Bắc Caucasus, Crimea và các căn cứ quân sự của Nga ở Abkhazia, Armenia và Nam Ossetia.
Trong số các tên lửa được Nga huy động tập trận đáng chú ý có tên lửa Iskander. Tên lửa này có tầm bắn tối đa 500 km, có khả năng phóng 2 loại tên lửa, gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Truyền thông Nga dẫn lời các chuyên gia quân sự cho hay, tên lửa chiến thuật Iskander của Nga có nhiều đặc tính chiến kỹ thuật vượt trội, thách thức mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay.
Trong đó, tên lửa này được áp dụng công nghệ tàng hình hiện đại nhất hiện có, tạo ra một lớp vật chất đặc biệt chỉ gồm các ion mang điện như đám mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar bị mất khả năng phản hồi.
Tên lửa này cũng có hệ thống điều khiển rất linh hoạt, giúp nó có thể bay theo nhiều quỹ đạo khác nhau để tránh hỏa lực đối phương.
Đặc biệt, đầu nổ của nó cũng rất uy lực. Tùy theo các phiên bản, khối lượng đầu nổ có thể từ 480 đến 700 kg chưa nói là nó còn có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân.
Chuyên gia quân sự Thụy Điển Robin Haggblum cũng nhận định việc chống lại tên lửa đạn đạo Iskander là rất khó.
“Khi lao xuống đất, tên lửa đạt tốc độ rất cao, lên đến 2-3 km mỗi giây. Để bắn được tên lửa đang bay với tốc độ này, cần sở hữu một hệ thống phòng không tiên tiến, nằm rất gần mục tiêu”, ông Haggblum nói./.