Nga huy động vũ khí tối tân cho nhiệm vụ đặc biệt mới

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây gia tăng, Nga ngày càng trang bị hiện đại cho binh chủng không quân của lực lượng hải quân, đồng thời tăng cường nhiệm vụ quan tâm đến khu vực Bắc Cực cho đơn vị này.
Lực lượng không quân của hải quân Nga có nhiệm vụ đặc biệt tại Bắc Cực. (Nguồn: TACC)

Lực lượng không quân của hải quân Nga có nhiệm vụ đặc biệt tại Bắc Cực. (Nguồn: TACC)

Mới đây, Đại tá Andrey Pakhomov, Tư lệnh không quân của hải quân Nga, tuyên bố: “Học thuyết mới của hải quân Nga có đề cập việc tiếp nhận trang thiết bị không quân hiện đại, phát triển cơ cấu sân bay, tập trung quan tâm tới Bắc Cực, bởi vì đây là một số trong những nhiệm hàng đầu trong tương lai không chỉ của hạm đội mà là của cả nước Nga”.

Liên bang Nga là quốc gia có đường biên giới trên biển dài nhất thế giới. Phần lớn đường biên giới đó nằm ở Bắc Cực, vì vậy, đây là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh của nước này.

Hạm đội Phương Bắc của Nga bao gồm nhóm tàu ngầm chiến lược mang tên lửa, tập trung chủ yếu ở Bắc Cực.

Khu vực này là nơi các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ thường xuyên qua lại. Bắc Cực cũng chính là ranh giới phóng tên lửa hành trình của cả hải quân Nga và hải quân Mỹ. Không phải vô cớ mà từ lâu tàu ngầm nguyên tử đa năng của Anh và Mỹ đã được bố trí ở đây nhằm trinh sát, theo dõi tình hình.

Tại Bắc Cực, điều kiện địa lý đã tạo ra những nguy cơ rất đặc trưng cho an ninh của nước Nga. Có thể nói, 99% nhiệm vụ của binh chủng không quân của hải quân Nga là tập trung ở hướng Tây, trên vùng biển Na Uy và biển Barents, vì các khu vực khác của Bắc Cực đều bị lớp băng bao phủ.

Nhiệm vụ tối quan trọng của lực lượng không quân của hải quân Nga là phối hợp với đội tàu mặt nước để tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước của đối phương. Trong điều kiện số lượng vệ tinh trinh sát không gian biển của Nga còn khá khiêm tốn, thì hoạt động trinh sát bằng không quân của hải quân là kênh duy nhất để chỉ định mục tiêu cho hạm đội đi đến quyết định có sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công hay không. Nếu hoạt động này bị gián đoạn, tất cả số vũ khí như tên lửa siêu thanh Zircon hay tên lửa hành trình Oniks đều trở nên vô nghĩa, vì không có dữ liệu về vị trí của mục tiêu.

Với hai trung đoàn không quân tiêm kích biệt lập và một tàu sân bay (đang trong quá trình sửa chữa), binh chủng không quân của hải quân Nga luôn tìm mọi cách để chiếm được ưu thế trên không ở các vùng biển.

Dưới thời Xô Viết, việc rải mìn và rà phá bom mìn đều do lực lượng không quân của hải quân Liên Xô thực hiện. Phương tiện chủ yếu để rà phá bom mìn mà hải quân Liên Xô sử dụng là trực thăng Mi-14BT, việc rải mìn do máy bay chống ngầm thực hiện. Hiện khả năng này không còn được duy trì ở không quân của hải quân Nga.

Trong bối cảnh nguy cơ xung đột với phương Tây có chiều hướng ngày càng gia tăng, để tránh bị động trước mọi tình huống, Nga sử dụng Trung đoàn không quân cận vệ số 4 từ Baltic kết hợp với Trung đoàn không quân tấn công số 43 từ bán đảo Crimea tiến hành huấn luyện hành động trên vùng biển Bắc Cực dưới sự chỉ huy chung. Đây là lực lượng không quân tấn công trên biển duy nhất của hải quân Nga cho đến hiện tại.