Nga khoe sức mạnh hệ thống tên lửa “phá được tàu chiến vạn tấn”

(PLVN) - Nhóm tác chiến của hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion của Nga trong cuộc tập trận vừa diễn ra đã tấn công một mục tiêu trên biển bằng tên lửa hành trình Oniks từ căn cứ quân sự trên quần đảo Franz Josef Land ở Bắc Cực.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo hãng tin TASS, thông tin trên được văn phòng báo chí của Hạm đội Phương Bắc của Nga công bố.

“Các nhân viên điều khiển hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion thuộc nhóm tác chiến của Hạm đội Phương Bắc đóng tại căn cứ quân sự Arctic Trefoil trên đảo Alexandra Land thuộc quần đảo Franz Josef Land đã phóng một tên lửa hành trình chống lại một mục tiêu hải quân”, thông báo của Hạm đội của Nga cho hay.

Theo Hạm đội trên, tên lửa đã được phóng nhắm một tàu mục tiêu ở biển Barents cách địa điểm phóng khoảng 200 km. “Mục tiêu đã bị tấn công thành công bằng tên lửa hành trình chống hạm Oniks”, bộ phận văn phòng báo chí của Hạm đội Phương Bắc cho biết trong một thông báo.

Đây là lần đầu tiên các vụ phóng tên lửa từ hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion được triển khai trên đảo Alexandra Land được thực hiện trong khuôn khổ các biện pháp huấn luyện tác chiến và hoạt động theo kế hoạch của Hạm đội Phương Bắc cho giai đoạn huấn luyện mùa hè. 

Các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion được trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Oniks đang phục vụ cho các đơn vị Bắc Cực của Hạm đội Bắc Cực đóng quân trên các đảo Alexandra Land và Kotelny.

Quân đội Nga bắt đầu đưa các hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion với các tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh tiêu chuẩn Yakhont (Oniks) vào hoạt động từ năm 2010.  Hệ thống này được sử dụng nhằm tấn công nhiều loại tàu như các tàu đổ bộ, tàu mặt nước, các nhóm tác chiến tàu sân bay...

Tên lửa hành trình chống hạm Yakhont có nhiều tính năng ưu việt, có thể phóng từ hầu hết các phương tiện mang gồm máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm, xe phóng trên đất liền… Theo giới chức Nga, đây là loại tên lửa chống hạm thông minh. Sau khi rời bệ phóng từ 60 đến 80 km, Yakhont sẽ bật radar tự thân để tìm kiếm mục tiêu. 

Khi tiến sát mục tiêu từ 25 đến 30 km, tên lửa tắt mọi liên lạc với hệ thống và chỉ sử dụng radar ở trạng thái thụ động. Vì vậy, việc phát hiện, gây nhiễu hoặc đánh chặn đạn tên lửa này khi là điều cực kỳ khó khăn đối với tàu chiến của đối phương. 

Để tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu, tên lửa Yakhont thường sử dụng chiến thuật “bầy sói”, tức là một mục tiêu sẽ phải đối mặt với 3 quả tên lửa đi theo 3 quỹ đạo khác nhau. Trong nhóm phóng, tên lửa dẫn đầu bay cao cung cấp tham số mục tiêu cho 2 tên lửa còn lại bay ở quỹ đạo thấp.

Sau khi đã tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, các tên lửa còn lại sẽ hướng đến các tàu chiến khác và loại trừ khả năng 2 tên lửa tấn công cùng 1 mục tiêu. Đây được cho là tính năng đáng sợ nhất khi nói về tên lửa Yakhont.

Với đầu nổ khoảng 200-250 kg, tên lửa Yakhont có thể phá hủy hoàn toàn các tàu chiến mặt nước cỡ vạn tấn.  Tuy không thể phá hủy được tàu sân bay nhưng tên lửa này cũng có khả năng làm tàu sân bay bị chìm khi điểm nổ rơi vào sườn tàu ở vị trí gần mép nước. 

Nếu điểm nổ trúng vào các khoang vũ khí, nhiên liệu, việc tên lửa này phá hủy được tàu sân bay là điều có thể xảy ra.

Tổ hợp tên lửa Bastion của Nga được trang bị tên lửa Yakhont với nhiều chế độ dẫn bắn, có tầm bắn trên 300km, bay ở độ cao 5-15m so với mặt biển với vận tốc nhanh gấp 2 lần vận tốc âm thanh (Mach 2), khi tăng tốc giai đoạn cuối có thể lên tới Mach 2,5.

Bastion là một trong những bệ phóng tên lửa Oniks. Tên lửa này cùng với hệ thống tên lửa Kalibr và Kh-35 Uran, tên lửa chống hạm siêu thanh Tsirkon đột phá là vũ khí chống hạm cơ bản của Hải quân Nga.

Đọc thêm