Theo hãng tin Sputnik, trong bài trình bày trước Hội đồng liên bang Nga, ông Poznikhir khẳng định các thông số của tên lửa đạn đạo được trang bị cho tổ hợp Avangard sẽ không vượt ra ngoài các quy định theo Hiệp ước START.
Hiệp ước START-3 do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nga hiện nay Dmitry Medvedev ký kết năm 2010. Đây là thỏa thuận duy nhất giữa Nga và Mỹ về hạn chế vũ khí hiện có hiệu lực.
Theo các điều khoản của hiệp ước này, mỗi bên tham gia hiệp ước không được sở hữu quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 phương tiện triển khai như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng.
Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và đến nay Mỹ vẫn chưa quyết định có gia hạn hiệp ước hay không dù Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng thảo luận về vấn đề này.
Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard dự kiến sẽ lần đầu gia nhập Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga vào khoảng cuối năm 2019.
Phát biểu trước Hội đồng Liên bang Nga ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, hệ thống tên lửa Avangard là tên lửa “bất khả xâm phạm”, “không thể bị đánh chặn”.
Theo Tổng thống Nga, tên lửa này có tốc độ nhanh hơn 20 lần so với tốc độ âm thanh “lao về mục tiêu như một quả cầu lửa”.
Tổng thống Putin cũng đã gọi Avangard là sự đáp trả “đầy đủ và không đối xứng” đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.
Nga khẳng định chưa có nước nào sản xuất được mẫu vũ khí có sức mạnh tương đương Avangard.
Còn theo ông Alexei Leonkov - Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva, quỹ đạo bay của tên lửa Avangard là “không thể dự đoán được” vì nó có khả năng cơ động cao và tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Điều đó khiến Avangard trở thành hệ thống vũ khí “bất khả chiến bại” và là một mục tiêu “không thể chế ngự” đối với hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ.