Hãng tin TASS dẫn thông tin từ Nhà máy sửa chữa tàu số 13 của Hạm đội Biển Đen cho hay, tàu ngầm đã được triển khai ra biển từ Vịnh Sevastopol.
Một nguồn tin trong giới quốc phòng Nga trước đó nói rằng, sau khi nâng cấp, tàu ngầm Alrosa đã trở thành tàu mang tên lửa hành trình Kalibr-PL.
Tàu Alrosa được đóng tại Nhà máy đóng tàu Krasnoye Sormovo ở thành phố Gorky (nay là Nizhny Novgorod) không lâu trước khi Liên Xô tan rã và thuộc Dự án thử nghiệm 877.
Về đặc điểm cụ thể, tàu này được điều khiển bằng động cơ phản lực nước thay vì động cơ đẩy chân vịt, đảm bảo khả năng tàng hình tối đa của nó.
Do đó, các tàu ngầm này được các nước mệnh danh là “hố đen”. Ngay sau khi Liên Xô tan rã, Alrosa vẫn là tàu ngầm phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu duy nhất của Nga ở Biển Đen.
Vào đầu tháng 5 vừa qua, có thông tin cho rằng việc sửa chữa tàu ngầm đã kết thúc và tàu Alrosa đã có được các khả năng chiến đấu và kỹ thuật mới, "đưa tàu Alrosa ngang hàng với 6 tàu ngầm đã được biên chế cho Hạm đội Biển Đen trong những năm gần đây".
Theo giới chức Nga, tên lửa hành trình Kalibr có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.600 km và có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không cũng như lá chắn tên lửa.
Trong quá trình hoạt động, tên lửa này liên tục thay đổi chiều cao và phương hướng, khiến đối phương khó lòng phát hiện. Ở giai đoạn bay cuối, nhờ tầng tăng tốc bổ sung, tên lửa này có thể bay ở tốc độ đến 2,7-2,9M, tức hơn gần 3 lần vận tốc âm thanh.
Được cho là ưu việt hơn nhiều so với Tomahawk của Mỹ, sự xuất hiện của các tên lửa hành trình Kalibr của Nga được đánh giá là đã tước bỏ sự độc quyền của Mỹ về “chính sách pháo hạm tên lửa”.