Ngày 27/6/2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi một bức thư xin lỗi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan tới vụ Ankara đã bắn hạ máy bay chiến đấu Su - 24 của Nga tại khu vực biên giới với Syria hồi tháng 11/2015.
“Xin lỗi, chúng tôi không cố tình...”
Phát biểu trước báo giới cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov xác nhận người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một thông điệp bày tỏ lời chia buồn tới gia đình phi công Nga tử nạn trong vụ máy bay bị bắn hạ và gửi lời xin lỗi.
Ông Peskov dẫn thông điệp này cho biết Tổng thống Erdogan khẳng định ông muốn làm “mọi thứ có thể để khôi phục quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, sớm bình thường hóa quan hệ với Nga”, đồng thời nêu rõ Ankara không bao giờ cố tình bắn hạ máy bay Nga.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia cùng nằm bên bờ Biển Đen, tuy nhiên lại có nhiều bất đồng trong lịch sử. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hai nước gạt bỏ bất đồng và bắt đầu tăng cường hợp tác. Trong những năm qua, hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được nhiều thành quả nổi bật trong các lĩnh vực năng lượng, kinh tế-thương mại, chống khủng bố, có lập trường tương đồng trong vấn đề hạt nhân của Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông và là nhân tố mấu chốt cho giữ gìn ổn định của khu vực.
Mối quan hệ thăng trầm
Tuy nhiên, cuộc nội chiến bùng nổ tại Syria năm 2011 đã khiến quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại bất ngờ xấu đi khi ở hai phía đối lập nhau. Nga luôn công khai bày tỏ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và nhấn mạnh cần phải giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại luôn ủng hộ lập trường của các nước phương Tây, đối lập với quan điểm của Nga.
Đặc biệt, tháng 11/2015, Nga đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay quân sự Su - 24 tại khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng quan hệ song phương, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố máy bay của Nga bị bắn hạ là do xâm phạm không phận Ankara, trong khi đó Moskva nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Sau vụ việc này, Nga đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm nếu Tổng thống Erdogan không nói lời xin lỗi.
Trong lúc vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom Su - 24 của Nga còn chưa được giải quyết thì ngày 30/1/2016, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa cáo buộc máy bay quân sự Nga xâm phạm không phận nước mình và triệu đại sứ Nga tại Ankara tới để trao công hàm phản đối. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng cảnh báo rằng Moskva đang “đùa với lửa” và có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.
Mặc dù Ankara đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc đối với phía Moskva, song việc Thổ Nhĩ Kỳ gửi công hàm phản đối đến đại sứ Nga cho thấy chính quyền của ông Davutoglu, mặc dù luôn thể hiện quan điểm cứng rắn, vẫn đang tiến hành những bước đi cẩn trọng để tránh tạo ra một cuộc đối đầu quân sự với Nga.
Về phần mình, Moskva đã bác bỏ những cáo buộc trên của Ankara. Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, “Các tuyên bố từ phía Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh vụ việc máy bay quân sự của Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ là những tuyên truyền sai lệch không thể chấp nhận được”.
Quan hệ giữa hai nước tiếp tục trở nên căng thẳng khi Ankara từ chối cho Nga thực hiện bay giám sát từ ngày 1 – 5/2 trên không phận nước này trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở.
Nỗ lực “hàn gắn”
Trong một nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gửi thư cho Tổng thống Nga Putin nhân Ngày Nước Nga (12/6) bày tỏ hy vọng Ankara và Moskva sẽ nâng quan hệ song phương lên một tầm mức cần thiết để hiện thực hóa các lợi ích chung.
Đáp lại thiện chí của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/6, Điện Kremlin đã ra tuyên bố, Moskva muốn khôi phục mối quan hệ tốt đẹp với Ankara, song Ankara trước tiên phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại liên quan đến vụ bắn hạ máy bay Su - 24.
Trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng máy bay, nguồn cung cấp năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc phần lớn vào nguồn khí đốt và dầu mỏ của Nga. Thậm chí ở vào thời điểm quan hệ tốt đẹp, hai bên đã từng đặt ra mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, Nga đang phải chịu sức ép tìm kiếm một tuyến đường khí đốt mới thay thế tới châu Âu khi thỏa thuận vận chuyển dầu khí với Ukraine dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2019, còn Thổ Nhĩ Kỳ lại là lựa chọn mà Moskva mong muốn hướng tới để thay thế tuyến đường Ukraine.
Trong khi đó, nền kinh tế Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bắt đầu chịu tác động của các biện pháp trừng phạt. Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu tổn thất lớn trong ngành du lịch và xuất khẩu, trong khi Nga phải đối mặt với nguy cơ mất đi một đối tác chiến lược trong các dự án năng lượng khổng lồ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phụ thuộc phần lớn vào khí đốt và dầu mỏ của Nga cho các nguồn cung cấp năng lượng.
Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng việc các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây liên tục có các thông điệp hòa giải lẫn nhau để hàn gắn quan hệ là hoàn toàn dễ hiểu.