Điều khiến NATO hết sức e ngại là trong biên chế quân đội của tất cả các nước thành viên NATO, kể cả Mỹ, không có một phương tiện chiến đấu nào tương tự có thể mang ra so sánh với “Kẻ hủy diệt 3”.
Bài học từ quá khứ
Khái niệm về một xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng chủ lực không phải là mới. Vào thập niên 1970 người Đức cũng đã từng thiết kế xe hộ tăng Begleitpanzerm, nhưng nó không bao giờ được đưa vào sản xuất do thiếu sự quan tâm vào thời điểm đó.
Với Nga, nhu cầu về phát triển loại xe hộ tăng xuất phát từ những bài học ở chiến trường Afganistan và Chechnya. Sử dụng vỏ giáp thông thường cùng hệ thống hỏa lực không đủ mạnh ở các cuộc đụng độ trong đô thị, lực lượng Nga đã phải chịu những tổn thất nặng nề về cả người và phương tiện.
Dù khi đó, Nga đã là nước sở hữu công nghệ vượt trội trong phát triển đội xe bọc thép, song khi tác chiến trong đô thị hay trên địa hình đồi núi, kẻ địch đều nấp trên các vùng núi cao hoặc trên tầng cao của các tòa nhà. Khi xe bọc thép đi qua, binh lính trong các khu vực ẩn nấp có thể nã súng xuống, trong khi xe bọc thép không thể bắn trả lên tầm cao như vậy. Một giải pháp tạm thời đã từng được
Nga sử dụng trong cuộc chiến tại Chechnya, đó là sử dụng pháo phòng không tự hành. Tuy nhiên, các phương tiện này vốn không có lớp giáp dày cũng như thiếu khả năng cơ động mạnh như những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực.
Chính vì vậy, Nga luôn muốn phát triển một loại xe tác chiến mới đặt trên khung gầm xe tăng, được trang bị hệ thống phòng vệ chí ít cũng phải bằng hoặc hơn hẳn so với hầu hết các loại xe tăng chiến đấu chủ lực.
Năm 2005, quân đội Nga bắt đầu phát triển một số lượng nhỏ xe hộ tăng với tên gọi Kẻ hủy diệt. Các loại vũ khí của loại xe hộ tăng này có thể bắn ở góc cao, tấn công vào các vị trí ẩn nấp của địch. Hơn nữa, vỏ thép của loại xe hộ tăng này cũng chắc chắn hơn, giống như xe tăng T-72.
Trên thực tế, mỗi phiên bản của Kẻ hủy diệt được chế tạo đến nay đều có lớp bảo vệ ngang bằng, thậm chí ưu việt hơn những chiếc xe tăng chủ lực. Phía sau của khoang lái, phần phía trước của xe được nâng lên để tăng thể tích bên trong. Tháp pháo trang bị khẩu pháo tự động nòng kép 2A42 30 mm với tốc độ bắn lên tới 600 viên/phút.
Cơ số đạn cho pháo 2A42 là 850 viên. Một súng máy đồng trục 7,62 mm đi kèm với pháo chính. 4 ống phóng tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka-T, có thể bắn nhiều loại đầu đạn khác nhau, được đặt ở hai bên của pháo chính.
Nhờ việc sử dụng được nhiều loại đầu đạn tên lửa khác nhau, xe có khả năng công kích các loại tăng hiện hữu và tương lai, các cứ điểm kiên cố, cũng như trực thăng bay thấp. Điện Kremlin rất ấn tượng với kế hoạch phát triển loại xe hộ tăng này của Uralvagonzavod.
Sức mạnh của “Kẻ hủy diệt”
“Kẻ hủy diệt 3” cũng như những chiếc xe hộ tăng dòng Terminator trước đó là xe chiến đấu được trang bị vũ khí hạng nặng, được thiết kế để bảo vệ những chiếc xe tăng khác trên chiến trường trước sự tấn công của đội xe bọc thép cũng như bộ binh của đối phương.
Vũ khí của “Kẻ hủy diệt 3” có thể giống “Kẻ hủy diệt 2” |
Các phiên bản “Kẻ hủy diệt” trước đây, hoặc trước đó nữa là xe hộ tăng Boyevaya Mashina Podderzhki Tankov đều dựa trên thiết kế khung gầm của xe tăng T-72. Nhưng theo thông báo của Nga, “Kẻ hủy diệt 3” được phát triển dựa trên khung gầm của xe tăng dòng Armata.
Ông Oleg Sienko, Giám đốc cấp cao của Tập đoàn Uralvagonzavod cho biết: “Uralvagonzavod là đơn vị sẽ sản xuất những chiếc xe hộ tăng này. Ý tưởng của chúng tôi trong phát triển “Kẻ hủy diệt 3” là sử dụng khung gầm của xe tăng Armata”.
Tuy nhiên, ngoài thông tin chiếc xe chiến đấu mới sẽ dựa trên khung gầm Armata, ông Sienko không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào khác.
Trong lúc không có thông tin chi tiết nào về “Kẻ hủy diệt 3”, nhưng người ta phỏng đoán rằng nó sẽ tương đồng về khung gầm, thiết bị cảm biến, vỏ bọc thép và hệ thống bảo vệ giống như xe tăng chiến đấu chủ lực T-14.
Ngoài ra, vũ khí của “Kẻ hủy diệt 3” có thể gồm các tên lửa chống tăng tiên tiến và pháo hạng nặng. Tuy nhiên, có rất ít chi tiết chính xác cho đến thời điểm này. Những gì người ta có thể phỏng đoán là vũ khí của “Kẻ hủy diệt 3” sẽ tương tự như “Kẻ hủy diệt 2”, trong đó uy lực chính vẫn là 4 tên lửa diệt tăng dẫn hướng laser Ataka-T, hai pháo tự động cỡ 30mm 2A42 và súng máy tự động đồng trục 7,62mm.
Nhờ hỏa lực mạnh, hệ thống phòng vệ tiên tiến cùng khả năng việt dã cao, xe có khả năng tác chiến bất cứ thời điểm nào trong ngày, trong mọi điều kiện thời tiết và trên mọi địa hình, cả rừng núi lẫn đô thị.
Dù mọi thông tin về vũ khí của “Kẻ hủy diệt 3” chỉ là phỏng đoán, nhưng có một điều mà mọi người không ngần ngại khi đánh giá về phương tiện chiến đấu này: nó sẽ là một đối thủ có sức mạnh ghê gớm trên chiến trường.
“Kẻ hủy diệt 3” sẽ có khung gầm của dòng Armata |
Theo kế hoạch, quân đội Nga triển khai các loại xe hộ tăng và xe tăng chiến đấu trong cùng một đơn vị. Trên chiến trường, thường cứ hai chiếc xe tăng sẽ có một chiếc xe hộ tăng đi kèm.
Tuy nhiên, ở địa hình đồi núi hoặc những môi trường đặc biệt như trong thành phố, tỷ lệ này có thể thay đổi: hai chiếc xe hộ tăng kèm một xe tăng loại T-72 hoặc T-90.
Với đội hình này, việc tác chiến trong môi trường đô thị của xe tăng giảm nhẹ hơn và có thể giảm một lượng lớn mục tiêu khác, nhờ đó xe tăng có thể tập trung vào các mục tiêu lớn và xe tăng đối phương.
NATO dè chừng
Việc Nga phát triển “Kẻ hủy diệt 3” chắc chắn khiến NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ “đứng ngồi không yên”. Nguyên nhân cốt lõi chính là trong quân đội Mỹ không có phương tiện nào có thể so sánh trực tiếp với các loại xe hộ tăng của Nga. Phương tiện có chức năng gần giống nhất là biến thể của dòng xe tăng chiến đấu M3 Cavalry là Bradley.
Tuy nhiên, các loại xe của Nga không được thiết kế để chở theo binh lính. Hơn nữa, với bài học từ quá khứ, “Kẻ hủy diệt 3” đã khắc phục được những bất lợi của các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực mà Mỹ chưa theo kịp. Một loại xe chiến đấu khác cũng có thể được mang ra so sánh là Israeli Namer – một loại xe chiến đấu của Israel, được phát triển trên khung gầm của xe tăng Merkava 4.
Mặc dù đổ nhiều công sức để gia tăng uy lực của dòng xe hộ tăng, đặc biệt là “Kẻ hủy diệt 3”, song các phương tiện chiến đấu này hầu như chưa chính thức tham chiến trên bất cứ chiến trường nào.
Lực lượng Lục quân Nga mới chỉ đưa một vài chiếc vào sử dụng với mục đích thử nghiệm hồi năm 2005. Hiện nay, Kazakhstan là quốc gia duy nhất có đội xe hộ tăng “Kẻ hủy diệt” đang hoạt động.
Sau khi mua 10 chiếc “Kẻ hủy diệt 2” từ năm 2010, Kazakhstan hiện có kế hoạch mở rộng số lượng các phương tiện chiến đấu này trong một thương vụ mới với Uralvagonzavod. Bởi vậy, nhiều khả năng khi “Kẻ hủy diệt 3” ra đời, Kazakhstan sẽ tiếp tục là khách hàng đầu tiên...