Theo hãng tin TASS, thông tin trên được ông Alexei Zhafyarov - Phó trưởng đơn vị giám sát tuân thủ luật pháp về an ninh liên bang, quan hệ liên sắc tộc và chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố thuộc Văn phòng tổng công tố viên Nga - công bố.
"Trước thềm cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga, chúng tôi đã xác định các nguồn tài nguyên Internet của người Ukraine đã tích cực truyền bá thông tin sai lệch về một vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân gần St. Petersburg, nhằm mục tiêu tạo ra tâm lý hoảng loạn”, ông Zhafyarov nói tại một phiên họp của Thượng viện thuộc Quốc hội Nga.
Theo ông Zhafyarov, trang web của Ukraine được xác định đã sử dụng hình ảnh và tài liệu video từ những nơi khác. “Đây rõ ràng là thông tin bịa đặt”, ông nhấn mạnh.
Trước đó, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/7 cũng khẳng định hệ thống giám sát bức xạ của Nga đã không ghi nhận tình huống khẩn cấp nào.
Ngày 26/6, Ủy ban trù bị cho Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện thông báo, vào các ngày 22 và 23/6, hệ thống giám sát quốc tế của Ủy ban này đã phát hiện sự vượt quá các đồng vị cesium-134, cesium-137 and ruthenium-103 ở phía đông bắc châu Âu.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong khi đó nhấn mạnh rằng nồng độ các hạt phóng xạ quan sát được trong không khí rất thấp và không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.
Vào ngày 25/6, IAEA tuyên bố rằng mức độ phóng xạ cao có thể là do các công trình tại lò phản ứng hạt nhân nhưng vị trí địa lý của nguồn này vẫn chưa được xác định.