Họa sĩ Ngô Bá Công chia sẻ các điểm nổi bật của cuộc triển lãm này: “Đầu tiên phải kể tới nội dung chủ đề, thông qua việc bám sát 12 con giáp trong tín ngưỡng dân gian. Thứ hai, tôi sử dụng chất liệu sơn mài đắp nổi - chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam. Thứ ba, tác phẩm phải đạt tầm văn hóa, mang tính di sản của nhân loại. Thứ tư là sự khác biệt trong triết lý nhân sinh giữa con người và vũ trụ. Thứ năm, các tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật vị nghệ thuật. Cuối cùng là việc đánh giá và cảm nhận".
Họa sĩ Ngô Bá Công (ảnh Thùy Dương). |
Thông qua triển lãm, họa sĩ Ngô Bá Công mong muốn gửi đi thông điệp: "Là người Việt, chúng ta phải yêu văn hóa của người Việt Nam. Việc lưu giữ bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian, tôn vinh các vẻ đẹp truyền thống đang dần mai một rất đáng được lưu tâm, coi trọng".
Họa sĩ Ngô Bá Công sinh năm 1972, hiện là Giảng viên môn Mỹ thuật tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2020, anh bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia. Ngô Bá Công từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân cũng như tham gia các triển lãm nhóm với các tác phẩm mang chất liệu sơn mài truyền thống, sơn dầu, khắc thạch cao, lụa, giấy dó...
Một tác phẩm sơn mài đắp nổi của họa sĩ Ngô Bá Công trưng bày tại triển lãm (ảnh Thùy Dương). |
Sơn mài đắp nổi là một kỹ thuật được xếp vào dạng khó nhất trong nghệ thuật làm tranh sơn mài, bởi đòi hỏi của sự khéo léo, sự công phu, cộng với tính kiên trì, nhẫn nại của người hoạ sỹ để làm nên tác phẩm trọn vẹn được. Chính vì vậy, nghệ thuật này có những lúc tưởng chừng đã “thất truyền”, hiện chỉ có số rất ít người còn làm được.
Hoạ sỹ Ngô Bá Công đã thể hiện rất thành công, không chỉ đưa tranh sơn mài lên một tầm cao mới với sơn mài đắp nổi, mà còn muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật để đời, gắn với đúng các mốc qui luật của thời gian.
Triển lãm kéo dài tới hết ngày 17/12/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).