"Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW là rất kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Cá nhân tôi rất phấn khởi vì Đảng đã nhìn thấy rõ những bất cập, từ đó chỉ đạo nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhằm bịt kín những kẽ hở, ngăn chặn kịp thời hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng."
Đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (Quốc hội Khóa XIV) - với PLVN xung quanh Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành.
Kịp thời, phù hợp thực tế
- Thưa ông, thời gian qua, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng từng bước được hoàn thiện; tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt được nâng lên song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật… Ông có thể cho biết ý nghĩa của Chỉ thị số 04-CT/TW (sau đây gọi là Chỉ thị 04) trong giai đoạn hiện nay?
- Thời gian qua, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế bước đầu đã có kết quả tích cực, tài sản thu hồi thường chiếm tỉ lệ từ 20-25% tổng tài sản tham nhũng mà tội phạm gây ra. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì việc thu hồi tài sản mà đối tượng phạm pháp gây ra còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, số lượng thất thoát, tiêu hao tài sản rất lớn nhưng thu hồi không đạt được bao nhiêu. Các vụ án khác cũng vậy.
|
Ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (Quốc hội Khóa XIV). |
Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của các hạn chế, tồn tại này là do thiếu một số cơ chế, chính sách; đặc biệt là vướng về luật pháp. Chẳng hạn, một vài người có khối tài sản rất lớn khi còn đương chức, đương quyền; để phòng xa, họ đã có hành vi tẩu tán tài sản, thậm chí bán đi, sang tên cho người khác... Nhưng lúc đó thì cơ quan chức năng chưa phát hiện ra hành vi tham nhũng của họ hoặc đã phát hiện rồi nhưng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa ra Tòa án nên họ cho rằng chưa có tội. Bởi vậy, việc phong tỏa tài sản của cá nhân phạm tội, của những thân nhân của họ, trong nhiều trường hợp chúng ta chưa thực hiện được, nguyên nhân là do vướng quy định: “quyền tài sản của cá nhân là bất khả xâm phạm”.
Đây là một trong những “kẽ hở” của pháp luật mà các đối tượng có hành vi tham nhũng lợi dụng để tẩu tán tài sản. Do đó, việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 04 là rất kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Cá nhân tôi rất phấn khởi, rất mừng, vì Đảng đã nhìn thấy rõ những hệ quả, hạn chế trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thời gian qua.
Trên cơ sở đó, Đảng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhằm bịt kín những kẽ hở, ngăn chặn kịp thời hành vi tẩu tán tài sản khi mới manh nha, mới từ trong “trứng nước”, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Bởi hiện nay, có những vụ án tham nhũng, kinh tế, khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì nhiều cá nhân đã tham nhũng tài sản của Nhà nước được 5 -10 năm trời; trong thời gian đó, họ đã kịp tẩu tán tài sản cho người khác. Vì thế nên khi phát hiện ra hành vi tham nhũng thì họ “trắng tay”, họ chỉ ở tù trừ thôi chứ không còn tài sản gì.
Ông cha ta đã từng nói (mà chính những đối tượng tham nhũng cũng có suy nghĩ như vậy), là “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Việc này tới nay vẫn còn diễn ra và gây bức xúc trong dư luận. Nhân dân thấy các đối tượng này giàu có, anh em, bà con thân thiết của họ cũng rất giàu; người dân cũng biết tài sản đó được chuyển đổi từ người có hành vi tham nhũng…, nhưng thu hồi không được vì đã có người khác đứng tên chủ quyền tài sản đó hết rồi. Tuy nhiên, từ những chỉ đạo của Đảng tại Chỉ thị 04, tôi hy vọng sắp tới đây, khi chúng ta phát hiện ra những vụ án tham nhũng, kinh tế thì việc thu hồi tài sản sẽ đạt kết quả cao hơn.
Nâng cao trách nhiệm cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu
- Thưa ông, tại Chỉ thị 04, Ban Bí thư đã yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Ông nhận xét gì về vấn đề này?
-Tôi cho rằng người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Đặc biệt là phải tăng cường công tác giáo dục để mọi người trong hệ thống của mình biết, người dân biết, làm sao ngăn ngừa được những hành vi tham nhũng.
Tôi cũng rất tâm đắc với việc Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật phải kịp thời bổ sung, sửa đổi những quy định bất hợp lý mà hiện nay đang ràng buộc những cơ quan thực thi pháp luật. Khi sửa đổi được, tôi tin là sẽ góp phần ngăn ngừa hữu hiệu nhất đối với những đối tượng có ý định tham nhũng, từ đó họ không dám tham nhũng. Vì nếu tham nhũng thì số tiền đó họ để đi đâu? Ăn thì không hết, sắm sửa nhà cửa cũng chỉ ở một, hai căn nhà, chuyển đổi tài sản cho con cháu, anh em, họ hàng đứng tên thì sẽ bị cơ quan pháp luật truy cứu và thu hồi. Cho nên, có tham nhũng thì cũng không cho ai được, không thể “hy sinh đời bố, củng cố đời con” được nữa. Tôi cho rằng đây là một quy định rất cương quyết, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng.
Tháo gỡ khó khăn, bất cập trong thi hành án
-Ngoài yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, Ban Bí thư cũng yêu cầu kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự (THADS) các cấp. Theo ông, công tác thi hành án có đang gặp nhiều khó khăn, bất cập cần được giải quyết?
- Theo tôi, trong nhiều trường hợp, việc cơ quan THADS thu hồi tài sản không đạt kết quả cao, không hoàn toàn do trình độ, năng lực của cán bộ, chấp hành viên, mà do những vướng mắc, bất cập của pháp luật. Chẳng hạn, nếu cơ quan THA biết rõ tài sản của ông A, bà B là do tham nhũng mà có thì họ sẽ thu hồi ngay, nhưng khi bắt tay vào việc thì họ mới biết tài sản của ông A, bà B đã đứng tên chủ quyền của người khác nên thu hồi không được.
Trên thực tế, các cơ quan THA làm rất quyết liệt, nhưng cũng có những cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý. Bên cạnh đó còn có những hạn chế, thiếu sót của các cán bộ và cơ quan THA từ Trung ương đến địa phương. Trong khi đó, các đối tượng lại có đủ mánh khóe, lý do, điều kiện để tẩu tán, không nộp lại tài sản cho Nhà nước và trao trả tài sản cho người bị hại, người được THA…
Giải quyết những bất cập này, Ban Bí thư đã đề ra những giải pháp để khắc phục - không chỉ trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế mà còn cả trong các vụ án dân sự. Do đó, yêu cầu được Đảng ta đặt ra là phải kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo THADS các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS. Ngoài ra, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và THADS, bảo đảm vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, thực sự liêm chính, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
- Trân trọng cảm ơn ông về những trao đổi, chia sẻ!