Thi hành xong gần 20 ngàn tỷ đồng
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả đối với công tác này.
Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện như: Ban hành kế hoạch số 120-KH/BCSĐ ngày 19/12/2019 triển khai thực hiện các kết luận và chỉ đạo về kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương, nhất là Viện KSNDTC để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác chỉ đạo giải quyết đối với những vụ án trọng điểm; tổ chức các buổi làm việc với Ban chỉ đạo THADS một số tỉnh, thành phố; tổ chức thường xuyên các buổi làm việc trực tuyến với các cơ quan THADS; thành lập các đoàn kiểm tra về công tác thu hồi tài sản đối với một số vụ án lớn, phức tạp tại một số địa phương… Nhờ đó, công tác này đã đạt được kết quả nhất định.
Bộ Tư pháp đã thi hành xong 25 vụ việc trong tổng số 80 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; đã thi hành xong gần 20 ngàn tỷ đồng trong số có điều kiện, còn phải thi hành trên 55 ngàn tỷ đồng. Riêng năm 2020, đã thi hành được số tiền hơn 14 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 61% tổng số tiền đã thi hành xong từ năm 2013 đến nay.
Tập trung thi hành những vụ án điểm
Mặc dù kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng năm vừa qua đạt kết quả cao hơn so với các năm gần đây nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp so với số phải thi hành. Việc tổ chức thi hành một số vụ việc còn chậm. Hệ thống pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng đã được quan tâm hoàn thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Theo đó, pháp luật hình sự mới chỉ có quy định về việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đã khắc phục cơ bản hậu quả mà chưa quy định cụ thể chính sách giảm nhẹ hình phạt đối với các trường hợp khác khi người phạm tội tham nhũng tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả. Pháp luật tố tụng hình sự quy định cơ quan điều tra chỉ kê biên tài sản của bị can tương ứng với tài sản đã bị chiếm đoạt, thất thoát hoặc gây thiệt hại, trong khi đó, để kết luận giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát phải trải qua quá trình điều tra, giám định tư pháp lâu dài nên dễ bị lợi dụng để tẩu tán tài sản. Pháp luật về THADS chưa có quy định cơ chế riêng trong việc thu hồi tài sản cho Nhà nước nên quá trình tổ chức thi hành án còn nhiều vướng mắc phát sinh, kéo dài.
Mặt khác, cơ chế quản lý tài sản của cá nhân, tổ chức hiện nay còn thiếu hiệu quả, vẫn còn nhiều giao dịch kinh tế, dân sự thanh toán bằng tiền mặt. Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn thiếu triệt để. Những bất cập này gây nhiều khó khăn cho việc xác minh điều kiện thi hành án và xử lý để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Để phần nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Lãnh đạo Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các quy định còn chưa phù hợp trong công tác THADS nói chung, xử lý và thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng.
Toàn hệ thống cơ quan THADS cần tiếp tục xác định công tác thu hồi tài sản là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần ưu tiên tập trung thực hiện; bám sát, triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp.
Thủ trưởng các cơ quan THADS, nhất là các địa bàn trọng điểm án kinh tế, tham nhũng cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa của công tác thu hồi tài sản để tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thi hành án của Chấp hành viên. Kịp thời chỉ đạo hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp, Lãnh đạo Tổng cục THADS về những vướng mắc, khó khăn để kịp thời có biện pháp xử lý. Tranh thủ sự chỉ đạo, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan quản lý về đất đai, thuế, ngân hàng… Đặc biệt, cần chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm tra hồ sơ do Tòa án chuyển sang đảm bảo đúng quy định pháp luật, đầy đủ các tài liệu về tình trạng pháp lý của tài sản kê biên.
Cùng với đó, mỗi Chấp hành viên cần nâng cao năng lực, trình độ, chủ động, tích cực hơn nữa trong việc xác minh, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đảm bảo tính công khai, minh bạch.