Ngăn chặn ma túy 'thế hệ mới' tấn công giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có một sự thật là những năm qua, độ tuổi sử dụng ma túy đang được trẻ hóa và ngày càng nhiều loại ma túy “thế hệ mới” ra đời, tạo nên những “cái bẫy” nguy hiểm hủy hoại tương lai người trẻ.
Nhiều loại ma túy “thế hệ mới” len lỏi vào trong giới trẻ dưới vỏ bọc “thời thượng”. (Ảnh: Dương Chung - VP)
Nhiều loại ma túy “thế hệ mới” len lỏi vào trong giới trẻ dưới vỏ bọc “thời thượng”. (Ảnh: Dương Chung - VP)

Độ tuổi sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa

Thời gian qua, cơ quan công an đã khám phá ra nhiều vụ tụ tập “bay lắc”, sử dụng ma túy tại nhà riêng hoặc các tụ điểm, mà thành phần tham gia chính là những người trẻ tuổi, thậm chí có cả những em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng đã có thâm niên “bay lắc” nhiều lần.

Tại Cuộc thi “Trường học không ma túy” dành cho sinh viên các trường đại học tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào giữa tháng 10 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã chia sẻ: Theo thống kê, hiện cả nước có 226.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý.

Độ tuổi sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 - 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi từ 13 - 15. Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp thì có tới 70 - 75% người trong độ tuổi 17 - 35, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên. Theo thống kê, đến tháng 10/2024, có gần 800 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, đã gây ra 33 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 04 vụ giết người.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Văn Viện, thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy “thế hệ mới” có độc tính cao, với hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, thích khám phá của giới trẻ, đồng thời ngụy trang “núp bóng” dưới dạng: “nước vui”, trà sữa hoặc tẩm ướp trong thực phẩm đồ uống, thuốc lá điện tử…

Chủ quan là dính… “bẫy”

Trên thực tế, ma túy ngày nay không còn giới hạn trong các chất truyền thống như heroin, thay vào đó là ma túy tổng hợp, cỏ Mỹ, cần sa, tem giấy, các loại “thuốc lắc”… đang được một bộ phận giới trẻ ưa chuộng. Những chất này không chỉ có mặt ở các tụ điểm giải trí mà còn len lỏi vào các nền tảng mạng xã hội, nơi chúng được quảng bá dưới vỏ bọc “thời thượng” và “vui vẻ”. Các hình thức này được gọi là “ma túy thế hệ mới”, tinh vi hơn, nguy hiểm hơn vì mức độ “đánh lừa”, len lỏi và thâm nhập người trẻ dễ dàng hơn.

Trên mạng xã hội, giữa những người trẻ vẫn thi thoảng xảy ra những tranh cãi liên quan đến các loại chất gây nghiện, tạo ảo giác thế hệ mới có phải là ma túy hay không. Nhiều bạn trẻ thường ngụy biện, đây là các loại chất kích thích chỉ “nặng đô” hơn thuốc lá và bia, rượu, không phải ma túy nên có thể sử dụng được. Thậm chí, các chất này còn xuất hiện một cách ẩn ý, thấp thoáng trong những sản phẩm giải trí như các bài nhạc rap, MV ca nhạc…

Mới đây sự việc hàng loạt những nghệ sĩ trẻ bị bắt vì liên quan đến ma túy đã khiến cho người hâm mộ nói riêng và dư luận nói chung bàng hoàng. Bởi lẽ, những người trẻ nói trên đều là những người có sự nghiệp, tiếng tăm trong làng giải trí, có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc người trẻ dễ bị sa chân vào ma túy, đặc biệt là các dạng ma túy thế hệ mới có nhiều nguyên nhân như: tâm lý yếu đuối, áp lực từ học hành, thiếu sự quan tâm của gia đình, hoặc đua đòi với bạn bè, học theo lối sống của “thần tượng”. Cạnh đó, sự phát triển của công nghệ khiến mạng xã hội là nơi ma túy được quảng bá một cách tinh vi, “đánh lừa” người trẻ dễ dàng.

Các chuyên gia khuyên rằng, để giúp người trẻ tránh xa cạm bẫy ma túy, cần có sự đồng lòng, nỗ lực từ nhiều phía: Gia đình, xã hội và cơ quan chức năng. Với gia đình, đây là tấm lá chắn đầu tiên và quan trọng nhất. Cha mẹ cần quan tâm, giáo dục, tạo ra một môi trường an toàn, nơi con trẻ có thể chia sẻ mọi khó khăn, tránh tìm đến các giải pháp tiêu cực.

Về phía xã hội, cần có những giải pháp lâu dài, bên cạnh tăng cường chiến dịch truyền thông sáng tạo, tập trung vào giới trẻ, còn cần tạo ra những môi trường, sân chơi phong phú, lành mạnh để người trẻ có nơi phát huy, gửi gắm thay vì sa chân vào những thú vui lệch lạc.

Ở khía cạnh pháp luật, việc xử lý nghiêm các hành vi tổ chức, sử dụng, buôn bán ma túy, siết chặt các tụ điểm ăn chơi, giải trí, kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội, cũng như đầu tư vào các chương trình cai nghiện, đặc biệt là các trung tâm hỗ trợ tâm lý và tái hòa nhập cộng đồng là thực sự cần thiết.