Ngân hàng - Doanh nghiệp: Nỗ lực tìm tiếng nói chung sau đại dịch

(PLVN) - Sau Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN) tại Hà Nội hôm 14/5, liên tiếp trong tuần qua, hàng loạt chương trình kết nối NH-DN được tổ chức trên khắp các tỉnh, thành… Đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm là phương châm mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện để hỗ trợ khách hàng giai đoạn khó khăn.
Hội nghị kết nối NH-DN tại Vĩnh Phúc hôm 22/5
Hội nghị kết nối NH-DN tại Vĩnh Phúc hôm 22/5

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ 

Nhận thức rõ những khó khăn mà doanh nghiệp, người dân phải đối mặt do dịch bệnh Covid-19 gây ra, ngay từ rất sớm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản và chương trình hành động của Ngành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) vào cuộc mạnh mẽ bằng hàng loạt các giải pháp cấp bách. Mục tiêu của các giải pháp này là nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Không chỉ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, hiệu quả, góp phần ổn định vĩ mô, NHNN đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá, ngoại tệ để ứng phó với diễn biến, tác động của thị trường quốc tế và trong nước. Đặc biệt, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành tạo cơ sở cho các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Các giải pháp này được đánh giá là những giải pháp rất kịp thời, phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế.

Tại Hội nghị kết nối NH-DN tổ chức tại TP Hải Phòng hôm 21/5 vừa qua, bà Đoàn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hải Phòng cho biết, ngay từ tháng 2/2020, NHNN Chi nhánh TP Hải Phòng đã chỉ đạo các NH thương mại trong thành phố triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ DN. Mỗi NH trên địa bàn tỉnh đều xây dựng các cơ chế hỗ trợ rất cụ thể rõ ràng, ví dụ như kéo dài nợ từ 8-9 tháng cho DN, giảm lãi cho DN từ 0,5 đến 2%, đặc biệt có NH giảm tới 3%. 1 cán bộ NH phân công phụ trách 10 khách hàng, 10 ngày làm việc với DN của chúng tôi 1 lần. Hầu hết các NH đều có đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh về nhu cầu hỗ trợ của DN, người dân với NH; giảm phí cho khách hàng, tăng cường đẩy mạnh thanh toán điện tử… “Tất cả việc làm đó đã góp phần giảm thiểu khó khăn về vốn cho DN và góp phần duy trì hoạt động của DN sau dịch Covid-19”- bà Ngân nhấn mạnh.

Đánh giá cao sự nỗ lực của ngành NH đối với các DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Thường trực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ tại Hội nghị kết nối NH – DN tổ chức tại Vĩnh Phúc hôm 22/5: “Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, NHNN là một trong những cơ quan cấp Bộ vào cuộc sớm nhất thông qua việc ban hành Thông tư 01 kịp thời với nhiều giải pháp từ cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính giúp DN, địa phương tháo gỡ khó khăn”. 

Tăng cường đối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp

Không chỉ nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ DN, ngành NH còn thường xuyên nắm bắt các khó khăn, tổ chức đối thoại DN. Trước đó, NHNN đã tổ chức khảo sát thực tế trên nhiều tỉnh, thành phố, làm việc trực tiếp với một số chi nhánh NH thương mại để nắm bắt tình hình triển khai, các khó khăn vướng mắc để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các NH. 

Ngày 14/5 vừa qua, NHNN đã tổ chức chương trình kết nối NH – DN tại Hà Nội. Tiếp đó, hàng loạt chương trình kết nối NH – DN được tổ chức trên khắp các tỉnh, thành: Hải Phòng (ngày 21/5), Bình Dương (ngày 21/5), Vĩnh Phúc (ngày 22/5), An Giang (ngày 22/5)… và sắp tới sẽ đến rất nhiều tỉnh, thành khác trên khắp cả nước.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, hoạt động của hệ thống NH trong giai đoạn hiện nay phải chủ động, tích cực hỗ trợ nền kinh tế với tinh thần “đồng hành - chia sẻ - trách nhiệm”, đặc biệt phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Thông tư 01. 

Tất cả những đề xuất, kiến nghị của DN được ghi nhận tại các chương trình kết nối NH – DN sẽ được NHNN tổng hợp, cân nhắc và xem xét điều chỉnh phù hợp nhất. Mục tiêu của các giải pháp là đảm bảo hệ thống NH vừa thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN người dân nhưng vẫn đảm bảo được tính an toàn hoạt động của hệ thống.

Phát biểu tại Hội nghị kết nối NH – DN TP Hải Phòng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, hệ thống TCTD sẵn sàng nguồn vốn để cho vay đối với các DN đủ điều kiện vay vốn. Còn về hạn mức cho vay sẽ do TCTD và DN tự thoả thuận trên cơ sở mức độ tín nhiệm của DN, khả năng tài chính, dự án sản xuất kinh doanh… “Tuy nhiên TCTD có vai trò rất quan trọng là trung gian tài chính, nên khi cho vay phải đảm bảo các nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn. NHNN cũng chủ trương là không hạ chuẩn cho vay…”- Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý.

Doanh nghiệp nói gì?

* Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Việt Xanh: 

“Trong suốt quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn nhất đối với các công ty du lịch khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ BIDV chi nhánh An Giang. NH đã hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và giảm các phí giao dịch trực tuyến. Sự hợp tác, hỗ trợ của NH theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN rất kịp thời và phù hợp, đáp ứng mong muốn của DN”.

* Ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang:

“Việc giảm lãi suất cho vay và gia hạn nợ của NH trên địa bàn thời gian qua còn chậm do các chi nhánh NH thương mại phải xin ý kiến Hội sở. Để chính sách giảm lãi và gia hạn nợ được triển khai kịp thời hỗ trợ DN, NHNN cần hỗ trợ các NH thương mại trong việc phân loại DN, khoản vay, ngành nghề đặc thù để các NH thuận lợi hơn trong từng đối tượng DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…”.

* Ông Bùi Xuân Trung  – Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Long Quân:

“Công ty chúng tôi đa ngành nghề, sản xuất vật liệu xây dựng… do ảnh hưởng của Covid nên cũng rất nhiều khó khăn. Chúng tôi được NH quan tâm, tháo gỡ khó khăn,  đặc biệt là việc khoanh giãn nợ là giải pháp hỗ trợ rất tốt cho DN, chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi đã hoạt động được 20 năm, suy thoái kinh tế năm 2008 - 2009 chúng tôi đã trải qua nhưng cũng thấy rất bình thường. Nhưng dịch lần này ít nhất sẽ ảnh hưởng hết năm nay. Chúng tôi đã làm đơn đến Vietinbank, NH Phát triển Việt Nam để được tháo gỡ khó khăn, không nhiều nhưng rất quý. Chúng tôi được hỗ trợ 0,5%, về thời hạn hết tháng 6. Tôi đề nghị các NH xem xét hỗ trợ DN hết năm nay...”.

* Ông Nguyễn Liêm – Phó Chủ tịch Hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm Điền:

“Lâu nay chúng tôi với NH là đồng hành và có trách nhiệm nhưng lần này rõ ràng có cả chia sẻ. Tôi cũng mong muốn NH chia sẻ thêm một số điểm nữa. Một là, hậu Covid, các DN ngành gỗ sẽ hoạt động thế nào khi các nguồn vốn đang bị ứ đọng ở nước ngoài và những sản phẩm chưa xuất đi được? Thứ hai, tôi được biết NH rất khó hạ điều kiện cho vay, nhưng nếu được NHNN và NH thương mại nên xuống thực tế DN, đánh giá lại từng DN. Ví dụ: DN A lâu nay có sản xuất gỗ không? Khó khăn thực sự không? Lâu nay quan hệ tín dụng có tốt không? Nếu có khảo sát đó thì sẽ đưa ra gói nào đó cho ngành gỗ xuất khẩu…”.

* Ông Võ Sơn Điền – Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Bình Dương:

“Ba tháng đầu năm 2020 doanh thu của các DN trong Hiệp hội sụt giảm ít nhất 30%, có đơn vị 3 tháng không có doanh thu. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi nắm được, các DN đều trả nợ đúng hạn. Chúng tôi nhận thấy, cái có ảnh hưởng ngay lập tức, đó là ưu đãi của Chính phủ về giãn nợ, giãn thuế. Còn lãi suất NH thì nhiều NH cũng đã tiến hành giảm lãi suất cho DN. DN cam kết với NH, có vay có trả, ít nhất là đúng hạn. Tuy nhiên, lãi suất không quan trọng bằng giãn nợ vì dòng tiền chúng tôi đang nằm ở công trình, ở cảng, ở đối tác nước ngoài chưa về nhưng sẽ về. Đây là cái chúng tôi cần nhất hiện nay. Còn giãn thế nào, mong các NH nghiên cứu. Tôi tin chắc chúng tôi sẽ vượt qua nếu có sự hỗ trợ tiếp của NH tạo sự đồng cảm…”.

Theo số liệu mới cập nhật của NHNN, đến 15/5, dư nợ tín dụng tăng 1,32%. (tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019) 

Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như: Công nghiệp chế biến-chế tạo, Vận tải, Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, Giáo dục và đào tạo..., tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt NH.

Sau 2 tháng triển khai quyết liệt Thông tư 01 và Chỉ thị 02 của NHNN, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, NH nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ  gần 1,13 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 143 nghìn khách hàng với dư nợ trên 3.600 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 519 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Đọc thêm