Ngân hàng kháng cáo yêu cầu Giám đốc Cty Bất động sản bồi thường trong vụ lừa đảo

(PLO) - Vừa qua, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lưu động tại Cần Thơ theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Thống Nhất (41 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) và kháng cáo của ngân hàng yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại trong vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngân hàng kháng cáo yêu cầu Giám đốc Cty Bất động sản bồi thường trong vụ lừa đảo

Theo cáo trạng, Nhất là Trưởng phòng kinh doanh DNTN Huỳnh Thanh Hùng và là Giám đốc kinh doanh Cty CP Bất động sản Đất Vàng. Nhất đã tiếp tay cho Huỳnh Thanh Hùng (người thành lập 2 công ty trên) để lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 1,5 tỉ của 4 cá nhân và 1 ngân hàng.

Từ tháng 11 - 8/2011, Hùng và Nhất bắt tay lập khống các chứng từ chứng minh nguồn thu nhập, phương án sản xuất kinh doanh, mục đích sử dụng vốn vay, sử dụng tài sản đã bán cho người khác để thế chấp nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Ngoài ra, Nhất còn phối hợp giới thiệu các dự án “ma” không có thật để Hùng lừa đảo 14 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 9,5 tỉ đồng.

Năm 2014, Hùng bị tuyên phạt mức án 20 năm tù. Đồng thời, bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại. Sau khi Hùng thụ án, Nhất bỏ trốn. Đến ngày 7/8/2017, bị bắt theo lệnh truy nã.

Trước đó, ngày 9/5, TAND TP Cần Thơ đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Thống Nhất 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm án với lý do gia đình có công với cách mạng, bị cáo làm theo chỉ thị cấp trên mà không lường trước hậu quả. Cùng đó, ngân hàng là nạn nhân của vụ án cũng đề đơn kháng cáo yêu cầu Nhất phải bồi thường số tiền gần 1,5 tỷ .

HĐXX phúc thẩm nhận định, hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác, cần phải xử phạt nghiêm khắc. Hơn nữa, bản án sơ thẩm tuyên là tương thích nên HĐXX quyết định bác kháng cáo của Nhất.

Đối với ngân hàng, Tòa cho rằng, tại bản sơ thẩm đã tuyên Hùng là người có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt, bản án này đang có hiệu lực pháp luật. Cho nên, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ngân hàng, giữ nguyên bản án sơ thẩm./.

Đọc thêm