Ngân hàng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Doanh nghiệp

(PLVN) - Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, sự hỗ trợ kịp thời của ngành ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng đã góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại Thái Nguyên bám trụ, vượt qua khó khăn. Với các gói hỗ trợ, BIDV dự kiến giảm khoảng từ 2.400 đến 3.000 tỷ đồng thu nhập để hỗ trợ các khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Cán bộ BIDV Thái Nguyên khảo sát khách hàng gặp khó khăn

Kinh doanh tê liệt vì Covid

Trung tâm ẩm thực Khánh Ngọc chuyên cung cấp các suất ăn cho hơn 20 trường mầm non, tiểu học bán trú trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Trước đây, với hơn 100 lao động, trung tâm cung cấp khoảng 10.000 suất ăn mỗi ngày. Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các trường học tạm đóng cửa, hoạt động của trung tâm ngay lập tức bị tê liệt.

Ông Nguyễn Trung Thực, Chủ Trung tâm Ẩm thực Khánh Ngọc cho biết: “Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, trong đó mô hình kinh doanh sản xuất của chúng tôi đã bị ảnh hưởng tuyệt đối.”

Là ngân hàng đồng hành với hộ kinh doanh Trung tâm Ẩm thực Khánh Ngọc trong 10 năm qua, BIDV đã kịp thời lắng nghe, chia sẻ những khó khăn của khách hàng, từ đó nhanh chóng áp dụng chính sách giảm lãi suất vay vốn để hỗ trợ khách hàng. 

“Chúng tôi có khoản vay trên 3 tỷ tại BIDV Thái Nguyên với lãi suất vay trước đây khoảng 9,5%/năm. Trước tình hình dịch bệnh, BIDV Thái Nguyên đã có sự hỗ trợ, trong đó có gói vay dành cho hộ kinh doanh cá nhân với lãi suất giảm 2%/năm, đã phần nào vơi đi khó khăn hiện tại cho chúng tôi. Chúng tôi cũng mong muốn ngân hàng có những chính sách như giãn thời hạn vay, đặc biệt là có thể miễn giảm lãi suất trong thời gian doanh nghiệp bị đình trệ để giúp cho DN có thời gian duy trì và sau này có cơ hội phát triển lại” – ông Thực cho biết.

Cũng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, Công ty cổ phần Vương Anh lại gặp khó khăn khác. Công ty đã có hợp đồng, đã có đơn hàng xuất khẩu bột ô xít kẽm sang Trung Quốc. Nhưng do dịch Covid-19, hơn 10.000 tấn hàng đã phải ùn ứ, chất cao như núi tại nhà máy mà không xuất khẩu được. Công ty cũng còn tồn kho hơn 20.000 tấn nguyên liệu mà không dám tiếp tục sản xuất. Dây chuyền sản xuất đình trệ, không có đầu ra. 

Trước khi có dịch, nhà máy đã đầu tư mới một dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động do chuyên gia Trung Quốc không thể sang hỗ trợ vận hành. 

Trong khi đó, công ty đang có dư nợ trên 150 tỷ tại ngân hàng vẫn phải trả lãi đều đặn. Theo ông Vũ Đình Dũng, Giám đốc điều hành nhà máy Công ty Cổ phần Vương Anh, nếu tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt, nhà máy khó có thể khôi phục được việc sản xuất và tiếp tục duy trì việc làm cho khoảng 100 lao động tại đây. 

Ngân hàng vào cuộc gỡ khó

Cán bộ ngân hàng BIDV đã đến thẩm định, đánh giá những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải và tiến hành hỗ trợ giảm lãi suất cho vay ngay lập tức để chung tay, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, với mức giảm lãi suất vay vốn trên 1%/năm.

“Khi gặp khó khăn như vậy, chúng tôi đã được ngân hàng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của tình Thái Nguyên hỗ trợ, giảm lãi suất. Chúng tôi mong muốn ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ nhà máy tháo gỡ khó khăn để phát triển và đầu tư lâu dài.” – ông Dũng cho biết.

Tính chung trên địa bàn tình Thái Nguyên, hàng trăm doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời, tích cực từ ngành ngân hàng.

Bà Nguyễn Khuê Chính, Phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: “Trước tình hình dịch bệnh Covid ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp, BIDV Thái Nguyên đã thực hiện ngay các chủ trương chỉ đạo của NHNN và của toàn hệ thống, trong đó có 3 giải pháp cơ bản. 

Thứ nhất là đã hỗ trợ ngay cho khách hàng đang vay vốn tại BIDV thông qua giảm lãi suất từ 0,2 đến hơn 1%/năm, đến nay đã áp dụng cho hơn 100 khách hàng. 

Thứ hai, với khách hàng đủ điều kiện cơ cấu nợ, BIDV đã thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ. 

Thứ ba là thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt như giảm đến 70% phí chuyển tiền qua các kênh ngân hàng điện tử BIDV SmartBanking, BIDV Online…”

Giảm thu đến 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng

Ngày 01/4/2020, BIDV đã tổ chức họp trực tuyến toàn hệ thống để triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện 03/CĐ-NHNN của Thống đốc NHNN và công bố tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Theo đó, đối với dư nợ hiện hữu: Cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của doanh nghiệp.

Đồng thời, giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập. Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.

Đối với nhu cầu vay mới: BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.

Thời gian triển khai giảm lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) áp dụng đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Việc BIDV giảm lãi suất cho vay là hành động thiết thực trong việc triển khai chỉ đạo của Thống đốc NHNN về việc các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với quy mô dư nợ lớn, ở đợt giảm lãi suất cho vay này, BIDV dự kiến giảm khoảng từ 2.400 đến 3.000 tỷ đồng thu nhập để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

Đọc thêm