Chỉ 1/5 là chuyên nghiệp
Theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics, trong đó 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về nhân lực, giai đoạn 2017-2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Dự báo đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm trong ngành logistics lên tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh.
Tuy vậy, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam lại tỏ ra lo lắng về chất lượng của nguồn nhân lực trong nước hiện nay, theo đó, rất nhiều lao động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Dẫn chứng thêm, ông Tương cho biết, trong tổng số gần 1 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics chỉ có khoảng 200.000 nhân viên chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng chưa cao thể hiện qua nhiều tiêu chí, từ kiến thức chuyên môn, trình độ ICT và quan trọng hơn là trình độ tiếng Anh của nhiều nhân viên còn hạn chế.
Với những tồn tại trên đã kéo giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Trên thực tế, chỉ 27 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại thị trường Việt Nam như: DHL. Damco, Nippon Express, APL... đã chiếm phần lớn thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam. “Hiện mới chỉ có 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ và 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên,” Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho hay.
Chống “nặng” về lý thuyết
Theo khảo sát sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics. Tuy vậy, nguồn nhân lực trong ngành logistics đang có “khoảng hở” giữa đào tạo của nhà trường với thực tiễn doanh nghiệp. Thậm chí, sau tuyển dụng thì doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để đào tạo lại nhân viên mới có thể chủ động nắm bắt công việc.
Băn khoăn về vấn đề này, theo tiến sỹ Nguyễn Thị Vân Hà, Trường Đại học Giao thông vận tải, do chương trình đào tạo bị gắn với ngành khác nên khó phát triển vì bị bó buộc bởi khung chương trình, thậm chí là “đào tạo bị lệch”. Hơn nữa, là sự gắn kết giữa doanh nghiệp logistics với nhà trường chưa thiết thực và chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như sinh viên.
Trong khi đó, tiến sỹ Trịnh Thị Thu Hương, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Đại học Ngoại Thương) cũng băn khoăn khi số lượng sinh viên theo học chuyên ngành về logistics còn chưa nhiều. Trong khi đó, phần thực hành còn chung chung, vẫn “nặng” về lý thuyết.
Do vậy, để tạo ra được một bước đột phá trong thời gian tới, bà Hương đề nghị Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động logistics. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và nhu cầu tuyển dụng qua đó có kế hoạch đào tạo một cách hợp lý theo chuẩn đầu ra.
Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng khuyến nghị Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics. “Tư duy quản lý trên thế giới đã có nhiều thay đổi theo hướng quản lý toàn bộ một cách có hệ thống, vậy nên công tác đào tạo cũng phải thay đổi nhằm đáp ứng với xu hướng quản lý theo chuỗi,” phó giáo sư-tiến sỹ Dương Văn Bạo, Đại học Hàng hải Việt Nam đề xuất.