Giảm tiêu cực vì bớt tiếp cận người - người
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mỗi năm có số đầu tư thuần lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Khối lượng mua sắm, đầu tư, xây lắp lớn khiến ngành này được các doanh nghiệp chuyên doanh lĩnh vực năng lượng năng lui tới, quan tâm; công tác đấu thầu tại các đơn vị thuộc EVN vì thế diễn ra gần như “cơm bữa”.
Theo sau hoạt động đấu thầu thi thoảng vẫn là những dư luận về tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thiếu minh bạch… do đặc thù của đấu thầu truyền thống sinh ra. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, EVN chủ trương làm mạnh công tác đấu thầu qua mạng, với quyết tâm loại dần tiêu cực, nâng cao tính minh bạch và sức cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể, nếu giai đoạn đầu (năm 2009), toàn tập đoàn chỉ thực hiện được vỏn vẹn 10 gói thầu theo hình thức qua mạng thì tới năm 2017, con số này xấp xỉ 4.000 gói; mới đây - năm 2018, là hơn 7.000 gói. “Hiện, già nữa số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng của cả nước đang thuộc về EVN. Năm 2018, đấu thầu qua mạng đã giúp chúng tôi đạt tỷ lệ tiết kiệm hơn 10%”, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc EVN trao đổi PLVN.
Với “guồng quay” đó, nhiều đơn vị thuộc tập đoàn cũng phải thay đổi cách làm thông qua việc ứng dụng hệ thống phần mềm đầu tư xây dựng (bao gồm module đấu thầu), cử cán bộ đi tập huấn, xây dựng các bộ quy chế, quy trình nội bộ để thực hiện chủ trương chung.
Ông Vũ Anh Phương - Trưởng ban Quản lý đấu thầu EVNNPC mới đây cho biết, riêng “Tổng” này, trong năm 2018 đã thực hiện lựa chọn qua mạng hơn 1.195 gói thầu (đạt tỷ lệ 56,04%) - vượt yêu cầu EVN giao và quy định của Bộ KH&ĐT; tỷ lệ chào hàng cạnh tranh qua mạng của EVNNPC cũng vượt yêu cầu trên giao, với gần 45%. Việc chuyển đổi từ hình thức đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng được đánh giá là đã góp phần không nhỏ trong việc tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực.
“Thực hiện Luật Đấu thầu, các đơn vị thuộc Tổng công ty đã đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên trang web muasamcong.gov.vn. Ngay khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, các đơn vị cũng đăng tải công khai trên Báo Đấu thầu hoặc trang mạng mua sắm công của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT). Ngoài ra, EVNNPC cũng công khai cả đường dây nóng của Báo Đấu thầu, địa chỉ của Ban Quản lý đấu thầu EVN khi phát hành hồ sơ mời thầu, để các nhà thầu phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu nếu có”, lời ông Phương.
Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh: "Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thành viên giám sát chặt việc chỉ định thầu, tăng cường đấu thầu qua mạng" |
“Chúng tôi thấy nhẹ đầu!”
Đại diện EVNNPC còn cho biết, mức độ công khai của đơn vị này trong công tác đấu thầu thời gian gần đây là rất lớn. Chỉ tính riêng năm ngoái, đơn vị đã thực hiện 5.322 gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp cho nhu cầu của các dự án đầu tư, hoạt động thường xuyên, sửa chữa lớn, với tổng giá trị lên tới gần 11.000 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn được áp dụng chủ yếu là đấu thầu rộng rãi, với trên 90% (về giá trị), tiết kiệm thông qua đấu thầu đạt gần 5%.
“Tổng công ty yêu cầu các đơn vị thành viên phải hạn chế tối đa chỉ định thầu, tuyệt đối không chỉ định thầu đối với những gói thầu không đủ điều kiện và nghiêm cấm việc “xé” nhỏ gói thầu để chỉ định... Thậm chí, những gói thầu sử dụng chi phí sản xuất kinh doanh, sửa chữa lớn cũng được chúng tôi yêu cầu hạn chế chỉ định, tăng cường đấu qua mạng”, Trưởng ban Quản lý đấu thầu EVNNPC nói và cho biết thêm, tới đây việc việc đấu thầu qua mạng của đơn vị sẽ hướng tới giá trị chứ không phải số gói thống kê được để làm căn cứ xác định tính hiệu quả.
Để phục vụ công tác này, EVNNPC liên tục chuẩn hóa kiến thức cho gần 1.000 cán bộ chuyên trách công tác đấu thầu, với 100% số người tham gia trực tiếp trong lĩnh vực đấu thầu đều có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ. Đến năm 2018, đã có 156 cán bộ được cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong công việc.
Ngoài ra, “Tổng” này còn lấy kết quả các chỉ tiêu đạt được về công tác đấu thầu để chấm điểm thi đua và đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các đơn vị và người đứng đầu đơn vị theo quý, năm.
“Tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả trong đấu thầu là xu thế chung, không thể cưỡng lại được. Bớt tiếp cận giữa người với người, thì chắc chắn tiêu cực sẽ không có “đất” sống. Với chúng tôi - những người trực tiếp làm công tác đấu thầu, thú thực cũng cảm thấy rất nhẹ đầu vì mọi thứ đã được ảo hóa trên môi trường mạng, không ai có thể biết để mà can thiệp hoặc nhờ cậy”, ông Vũ Anh Phương nói.
Gần 14.000 gói thầu/năm
Năm 2018, tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu của EVN đạt trên 10%. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN đã thực hiện ước tính khoảng 13.900 gói thầu, với tổng giá trị trúng thầu khoảng 44.861 tỷ đồng, tiết kiệm được khoảng 5.093 tỷ đồng. Con số này trong sản xuất kinh doanh là 9.300 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu 26.300 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 9,3%”, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc EVN.