Trong những ngày giữa tháng 11/2019, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục phải xách cặp gặp lãnh đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) để bàn hướng tìm nguồn nguyên liệu ổn định cho điện khí, than trong những năm tới.
Khí cho điện sẽ giảm
Ngày 15/11/2019, ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV GAS và ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN có cuộc làm việc để bàn về đảm bảo nhiên liệu khí cho sản xuất điện.
Theo Tổng Giám đốc PV GAS, ý thức rõ về trách nhiệm cấp khí cho phát điện, thời gian qua, PV GAS luôn nỗ lực cung cấp khí tối đa trong khả năng cho phép. Từ thời điểm hệ thống khí Nam Côn Sơn đi vào hoạt động, đưa khí về bờ (năm 2003) đến nay, nhu cầu khí cho phát điện thường xuyên ở mức cao, nên tổng lượng huy động khí đã cao hơn mức bao tiêu cam kết khoảng 15,9 tỷ m3 (tính đến ngày 31/12/2019). Nếu tiếp tục huy động khí ở mức cao như các năm trước đây, PV GAS dự báo sẽ thiếu khí cấp cho Nhà máy Điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 từ giữa năm 2022.
Lãnh đạo PV GAS cho biết, các nguồn khí từ lô 06.1, 11.2 thuộc bể Nam Côn Sơn đang tiếp tục suy giảm. Mặc dù trong năm 2021 - 2022, Việt Nam có thể được bổ sung sản lượng từ các nguồn khí mới (mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt), nhưng giá khí sẽ cao hơn các nguồn khí hiện nay, gây tác động tới việc sản xuất kinh doanh của các nhà máy điện.
Trước tình trạng này, PV GAS đề xuất 2 phương án cấp khí. Phương án 1, trong năm 2020, PV GAS sẽ chỉ cấp lượng khí theo hợp đồng và để dành nguồn khí 06.1, 11.2 ở lại mỏ để cấp trong các năm tiếp theo. Phương án 2, năm 2020, PV GAS sẽ nỗ lực cấp khí với sản lượng cao hơn hợp đồng đã ký, đáp ứng yêu cầu phát điện với điều kiện EVN và Nhà máy Điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 thống nhất giải pháp cấp bổ sung nguồn khí mới cho Nhà máy Điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2, chuyển ngang giá khí của các nguồn khí mới sang giá điện cho giai đoạn thiếu khí sau này.
Trước nguy cơ nguồn khí cho phát điện sẽ giảm sâu trong tương lai gần, Tổng Giám đốc EVN đề nghị PV GAS nỗ lực thực hiện các giải pháp để cấp tối đa lượng khí cho phát điện ngay trong năm 2020. EVN cũng đề nghị PV GAS, các nhà máy điện BOT cùng phối hợp với EVN để thống nhất lựa chọn các phương án cấp khí, lượng khí, giá khí cho phát điện trong các năm tới; sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cảnh báo nguy cơ thiếu khí cho sản xuất điện. Theo đó, dự báo sau năm 2019, thị trường nhiên liệu khí sẽ rất căng thẳng do sản lượng khai thác khí của Việt Nam giảm mạnh.
Trông chờ vào than
Hôm 20/11 vừa qua tại Hà Nội, ông Trần Đình Nhân cũng có buổi làm việc với ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV để thống nhất ký kết hợp đồng mua bán than năm 2020 và dài hạn. Theo ông Trần Đình Nhân, để đảm bảo cung ứng điện cho đất nước trong năm 2020 và các năm tiếp theo, EVN sẽ phải huy động cao các nguồn nhiệt điện than. Do đó, ký kết hợp đồng mua bán than dài hạn với TKV có ý nghĩa quan trọng để các nhà máy được đảm bảo nguồn nhiên liệu ổn định cho sản xuất điện.
Còn theo Tổng Giám đốc TKV, trong những năm qua, EVN luôn tin tưởng sử dụng than của TKV. Hai Tập đoàn đã có mối quan hệ chặt chẽ và chia sẻ. “Để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, TKV cam kết cung cấp than đúng sản lượng, chủng loại, chất lượng cho các nhà máy điện của EVN”, Tổng Giám đốc TKV nói và cho biết, bản thân ông đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc TKV thực hiện đúng cam kết cung cấp đủ than cho EVN.
Lãnh đạo hai Tập đoàn đã thống nhất tiến tới ký hợp đồng cung cấp than năm 2020 trong tháng 11/2019 và hợp đồng cung cấp than dài hạn muộn nhất vào tháng 12/2019. Theo tìm hiểu của PLVN, hiện nay TKV và EVN đang trong quá trình đàm phán hợp đồng. Đại diện TKV cho biết, giá than sẽ theo giá thị trường, phù hợp với thang giá đã quy định. Trong một diễn biến khác, các nhà máy điện của EVN đã cơ bản hoàn thành công tác đàm phán và ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Đông Bắc trong tháng 11/2019.