Hai tháng xuất khẩu tăng gần 30%
Theo Bộ NN&PTNT, tháng 2, kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 2,62 tỷ USD, trong đó, XK lâm sản chính ước đạt 612 triệu USD. Lũy kế 2 tháng, riêng XK lâm sản chính đã đạt 1,43 tỷ USD, tăng tới 28,5%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính giúp cho ngành gỗ có thể đạt được tăng trưởng khả quan, trước hết là nhờ nhóm sản phẩm đồ gỗ tăng cao hơn so với nhóm gỗ nguyên liệu. Bên cạnh đó, sự phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2017, nhất là sự tăng trưởng của thị trường bất động sản cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ ngành gỗ Việt Nam về XK.
Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia (đã được ký kết và có hiệu lực) cũng được cho là hỗ trợ không nhỏ cho XK gỗ. Theo nhận định, XK ngành hàng này trong những tháng còn lại trong năm 2018 sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm (2016-2020) của cả nước và của ngành lâm nghiệp nên mục tiêu phấn đấu của ngành hàng đặt ra là sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 9 tỷ USD xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ.
Dư địa còn lớn
Phát biểu tại Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam (VIFA-EXPO 2018) diễn ra vào giữa tuần qua, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá cao nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong những năm qua.
Theo Thứ trưởng Tuấn, dù kinh tế trong nước cũng như quốc tế thời gian qua gặp nhiều khó khăn, biến động, nhưng ngành chế biến gỗ và lâm sản nói chung vẫn đạt những bước tiến mạnh, lần đầu tiên cán đích 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020.
Ông Tuấn khẳng định, kinh tế lâm nghiệp đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch XK đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới.
“Dư địa phát triển cho ngành chế biến, XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những năm tới là rất lớn. Bên cạnh tín hiệu khả quan từ thị trường tiêu thụ nội địa, dự báo trong năm 2018 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên toàn thế giới sẽ tăng 3,5%, thương mại đồ gỗ sẽ tăng 4%. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư bài bản, đặc biệt chú ý đến việc sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp, xây dựng thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần ra thế giới”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Trước đó, để đạt mục tiêu 9 tỷ USD XK gỗ và sản phẩm gỗ trong năm nay, Bộ NN&PTNT đề nghị ngành lâm nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và XK.
Bên cạnh chủ động khai thông thị trường thương mại quốc tế, hoàn thành việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT, chủ động hợp tác thương mại hợp tác quốc tế với Nga, Úc và Hàn Quốc, các doanh nghiệp ngành hàng gỗ cần nỗ lực bảo vệ thị trường nội địa hợp lý, phát triển thị trường XK lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế.
Doanh nghiệp cần chú ý sử dụng gỗ hợp pháp
“Dư địa phát triển cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những năm tới là rất lớn. Bên cạnh tín hiệu khả quan từ thị trường tiêu thụ nội địa, dự báo trong năm 2018 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên toàn thế giới sẽ tăng 3,5%, thương mại đồ gỗ sẽ tăng 4%. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư bài bản, đặc biệt chú ý đến việc sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp, xây dựng thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần ra thế giới”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.