Theo đó, về thực hiện Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ giải quyết thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế theo quy định tại điểm 1 Nghị quyết số 20/NQ-CP trong một số trường hợp.
Thứ nhất, doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép xuất khẩu với mục đích viện trợ nhân đạo, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện. Thứ hai, doanh nghiệp chế xuất có giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp và doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công cho nước ngoài nếu hợp đồng gia công ký trước ngày 1/3/2020 được thực hiện việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Hợp đồng giao công phải được thông báo với cơ quan hải quan theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC) trước ngày 1/3/2020.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện kiểm tra thực tế đối với các lô hàng xuất khẩu khai báo là khẩu trang không dùng trong y tế (có mã số HS 63079090); đối chiếu với tiêu chuẩn khẩu trang y tế TCVN8389-2010 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố để xác định thực tế hàng hóa. Qua kiểm tra thực tế nếu công chức hải quan không đủ cơ sở xác định hàng hóa là khẩu trang không dùng trong y tế thì trưng cầu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định để xác định chủng loại hàng hóa xuất khẩu.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu, lực lượng kiểm soát hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý đối với hành vi xuất lậu hoặc vận chuyển trái phép khẩu trang y tế qua biên giới. Đồng thời, theo dõi tình hình xuất khẩu các mặt hàng là trang thiết bị, đồ bảo hộ, quần áo, găng tay dùng trong y tế, nếu số lượng hàng hóa xuất khẩu tăng đột biến thì tổng hợp số liệu, báo cáo Tổng cục Hải quan để tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp quản lý phù hợp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện, thông quan nhanh chóng hàng hóa, máy móc, trang thiết bị y tế, chế phẩm, dung dịch sát khuẩn, dược phẩm, công cụ hỗ trợ nhập khẩu phục vụ cho việc phòng, chống, điều trị Covid-19. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh cho CBCC hải quan trong quá trình làm nhiệm vụ, Tổng cục yêu cầu CBCC khi tiếp xúc trực tiếp với người khai hải quan, hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải phải đeo khẩu trang, mang găng tay đúng tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tổng cục Hải quan yêu cầu CBCC hải quan nếu có tiếp xúc với người được xác định nhiễm Covid-19 (gọi là F0) hoặc người nghi nhiễm, tiếp xúc F0 (gọi là F1) hoặc người tiếp xúc với F1 (gọi là F2) hoặc tiếp xúc với F2 (F3) hoặc người tiếp xúc với F3 (F4) hoặc người tiếp xúc với F4 thì thông báo với cơ quan y tế địa phương, có biện pháp cách ly phù hợp và cho phép làm việc tại nhà, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của CBCC khác.