Xử lý vướng mắc, tăng cường hiệu quả xử lý nợ
Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho biết, ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN). Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và được thực hiện trong vòng 3 năm.
Ngày 15/7/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Theo đó, tại điểm e khoản 3 Điều 23 Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định: “Báo cáo tổng kết 3 (ba) năm thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trước ngày 30/7/2023”.
Để chuẩn bị tổng kết Nghị quyết số 94/2019/QH14 báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội tình hình xử lý nợ của ngành Hải quan, TCHQ đề nghị các cục hải quan tỉnh, TP khẩn trương rà soát tình hình nợ thuế tại đơn vị. Cụ thể, TCHQ yêu cầu các cục hải quan tỉnh, TP đánh giá tình hình triển khai công tác khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền nợ phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Thông tư 69/2019/TT-BTC từ khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến nay.
Trong đó, cần báo cáo rõ công tác tuyên truyền phổ biến, hoàn thiện quy trình thủ tục, kiện toàn bộ máy nhân sự, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các quy định khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp... Đồng thời, đánh giá những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện và những biện pháp khắc phục đơn vị đã thực hiện nhằm kịp thời xử lý vướng mắc, tăng cường hiệu quả xử lý nợ đối với những khoản nợ không còn khả năng nộp NSNN thuộc đối tượng xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14.
Đối với những trường hợp đã khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 giai đoạn 2020 - 2022, TCHQ đề nghị các cục hải quan tỉnh, TP thực hiện rà soát các trường hợp đã khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp bảo đảm đúng đối tượng, thẩm quyền, số tiền, trình tự thủ tục theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14, Thông tư 69/2020/TT-BTC và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp không thuộc đối tượng, hồ sơ trình tự thủ tục không đáp ứng quy định thì thực hiện hủy khoanh nợ, hủy xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo quy định; kiểm tra, rà soát và chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo các trường hợp đã khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp giai đoạn 2020 - 2022. Trường hợp có sự điều chỉnh về số liệu thì cập nhật và nêu rõ lý do, ý kiến giải trình kèm theo.
Đối với những trường hợp thuộc đối tượng xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 từ ngày 1/1/2023 đến 30/6/2023, TCHQ đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình tự thủ tục và ban hành quyết định khoanh nợ hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp trước ngày 30/6/2023 theo hướng dẫn tại Thông tư 69/2020/TT-BTC và Công văn số 796/TCHQ-TXNK ngày 24/2/2023 của TCHQ; báo cáo bổ sung các trường hợp khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo từng đối tượng giai đoạn từ 1/1/2023 đến 30/6/2023.
Đối với một số trường hợp tình trạng hoạt động của người nộp thuế chưa đồng bộ giữa cơ quan Thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh (cơ quan Thuế ghi nhận người nộp thuế đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng tại cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp quốc gia của cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn thể hiện người nộp thuế đang hoạt động hoặc ngược lại), TCHQ đề nghị các đơn vị có văn bản trao đổi, xác nhận, cập nhật tình trạng hoạt động của người nộp thuế với cơ quan Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để có cơ sở xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Ngoài ra, TCHQ đề nghị các cục hải quan tỉnh, TP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng nhằm chủ động phát hiện những trường hợp người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì thực hiện hủy khoanh nợ, hủy xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo quy định; đồng thời thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ.
Được biết, thời gian qua, các đơn vị Hải quan địa phương gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện cưỡng chế, xử lý nợ thuế, trong đó, nhiều vụ việc, trường hợp, đối tượng nợ có những yếu tố phức tạp. TCHQ đã ban hành Quy trình quản lý nợ thay thế Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018 nhằm “cầm tay chỉ việc” để các cục hải quan tỉnh, TP thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Nhờ vậy, đã có những tín hiệu tích cực tại các địa phương. Điển hình, Hải quan TP HCM tập trung rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh theo 4 nhóm, gồm nhóm nợ khó thu; nhóm nợ được khoanh; nhóm nợ chờ xử lý và nhóm nợ có khả năng thu, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp đối với từng nhóm. Cơ quan này cũng kết hợp tăng cường công tác xử lý nợ thuế, rà soát, thực hiện phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thu hồi và xử lý nợ thuế; tăng cường triển khai công tác khoanh, xóa nợ theo quy định. Qua áp dụng hiệu quả nhiều biện pháp cưỡng chế cũng như xử lý nợ thuế, tính từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan TP đã xử lý được khoảng 517 tỷ đồng nợ thuế.