Ngành Hải quan nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Kim ngạch xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm tại nhiều địa phương trên cả nước giảm sâu, kéo số thu ngân sách của ngành Hải quan sụt giảm. Trong bối cảnh đó, toàn ngành Hải Quan đã thực hiện nhiều giải pháp gỡ khó, nỗ lực bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Công chức Hải quan đang làm nhiệm vụ. (Ảnh minh họa)
Công chức Hải quan đang làm nhiệm vụ. (Ảnh minh họa)

Kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 3 (từ ngày 1-15/3/2023) đạt 27,2 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 4 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2023.

Dù có sự khởi sắc so với nửa cuối tháng trước, nhưng lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ đạt 122,95 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 18,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 86,66 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 11,9 tỷ USD).

Trong kỳ 1 tháng 3 năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 492 triệu USD. Cụ thể về xuất khẩu, tính đến hết 15/3, tổng kim ngạch đạt 62,94 tỷ USD, giảm 10,8% tương ứng giảm 7,64 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của cả nước đến 15/3 đạt 60 tỷ USD, giảm 15,2% (tương ứng giảm 10,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Sự sụt giảm mạnh của kim ngạch xuất nhập khẩu trong hơn 2 tháng đầu năm là điều bất thường, đáng báo động, bởi nhiều năm liên tiếp gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu luôn duy trì tăng trưởng cao. Đơn cử như 3 năm ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm vẫn tăng cao. Cụ thể, cùng kỳ năm 2022 tăng 14,3%; năm 2021 tăng 24,2%, hay năm 2020 dù khởi phát dịch COVID-19 nhưng vẫn tăng 4,4%.

Trong khi đó, dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận, 2 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc đều giảm sâu. Ở một số khu vực như khu vực biên giới phía Bắc, dù hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh được khôi phục bình thường từ đầu năm 2023 nhưng kim ngạch chưa có nhiều khởi sắc, đặc biệt là địa bàn trọng điểm Lào Cai giảm tới 43,6%...

Không nằm ngoài bối cảnh chung, hoạt động xuất nhập khẩu ở các thị trường chủ lực đều bị giảm mạnh. Cập nhật của Tổng cục Hải quan theo thị trường hết 2 tháng đầu năm cho thấy, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á chỉ đạt 62,8 tỷ USD, giảm 12,4%. Đối với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ đạt 18,9 tỷ USD, giảm 18,2%; châu Âu đạt 10,83 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Đại Dương đạt 2,25 tỷ USD, giảm 3,5% và châu Phi đạt 1,07 tỷ USD, giảm 3,7%.

Như vậy, để đạt được quy mô kim ngạch như năm 2022 (hơn 730 tỷ USD), trong 9,5 tháng còn lại của năm, bình quân mỗi tháng phải đạt khoảng 64 tỷ USD, cao hơn tới 15 tỷ USD/tháng so với bình quân trong 2,5 tháng đầu năm. Đây là thách thức lớn đặt ra cho các nhà điều hành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều giải pháp khắc phục

Trước bối cảnh này, ngành Hải quan đã triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm khắc phục khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu. Mới đây, Cục Hải quan Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, trao đổi các doanh nghiệp về giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp trao đổi, phản hồi thông tin về các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung, cơ quan Hải quan nói riêng đối với doanh nghiệp trong năm 2023; những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Cùng với đó, các đại biểu dự báo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới; dự báo về nhu cầu thị trường thế giới, tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhất là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ hiện nay.

Hay ở TP HCM, song song với công tác tạo thuận lợi thương mại thì Cục Hải quan TP tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu có trọng tâm, trọng điểm, như: Tập trung rà soát, kiểm tra đối với mã số, thuế suất, trị giá, số lượng, C/O, các trường hợp miễn - giảm - hoàn - không thu thuế, loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, nhập tạo tài sản cố định theo dự án ưu đãi đầu tư - đảm bảo đúng đối tượng và đủ điều kiện; Tăng cường quản lý giá xe nhập khẩu phi mậu dịch theo quy định của Tổng cục Hải quan; Kiểm tra, kiểm soát các trường hợp miễn, giảm hoàn, không thu thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và tuân thủ các quy định của pháp luật...

Cục Hải quan TP HCM cũng tổng hợp, triển khai các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn mã số HS của Tổng cục Hải quan để hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn đơn vị với mục tiêu không để xảy ra một mặt hàng có nhiều mã số khác hoặc một mã số HS có nhiều mặt hàng khác nhau, hạn chế đến mức thấp nhất thất thu ngân sách.

Đọc thêm