Ngành Hải quan quyết liệt xử lý nợ thuế đúng thời hạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhằm tăng cường hiệu quả công tác xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14, Tổng cục Hải quan mới đây đã yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố khẩn trương tập trung thực hiện một số giải pháp liên quan đến khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp.
Hoạt động nghiệp vụ hải quan. (Ảnh minh họa)
Hoạt động nghiệp vụ hải quan. (Ảnh minh họa)

Còn gần 4 tháng để xử lý nợ thuế

Theo Tổng cục Hải quan, ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết 94/2019/QH1A về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và được thực hiện trong vòng 3 năm.

Theo đó, tính đến tháng 2/2023, thời gian xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 chỉ còn khoảng 4 tháng (kết thúc vào ngày 30/6/2023). Vì vậy, để tăng cường hiệu quả xử lý nợ, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung xác định đúng đối tượng được xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14. Từ đó thu thập, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ xử lý nợ theo quy định tại Thông tư 69/2020/TT-BTC; đối chiếu, xác định chính xác số tiền thuế nợ được khoanh, số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa theo quy định tại Nghị quyết 94/2019/QH14 và Thông tư 69/2020/TT-BTC.

Đồng thời, thực hiện khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo trình tự, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền quy định tại Nghị quyết 94/2019/QH14 và Thông tư 69/2020/TT-BTC. Phối hợp với cơ quan chức năng xác minh tình trạng hoạt động của công ty mẹ khi thực hiện xử lý nợ đối với chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh theo quy định tại Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14, Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Quản lý thuế 2019.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, UBND các cấp và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan (cơ quan Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh...) đảm bảo hoàn thành việc xử lý nợ trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết 94/2019/QH14.

Trong đó, đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xử lý xóa nợ của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, các cục hải quan tỉnh, thành phố cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét ký duyệt trước 30/6/2023. Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xử lý của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ, các cục hải quan tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và gửi về Tổng cục Hải quan chậm nhất trước ngày 15/3/2023 để kịp thời trình cấp có thẩm quyền thẩm định và xem xét ký duyệt.

Tổng cục Hải quan giao cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm, gắn trách nhiệm xử lý nợ đến từng cán bộ, công chức tại đơn vị, đồng thời chỉ đạo các bộ phận có liên quan phối hợp chặt chẽ với bộ phận quản lý nợ để thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp.

Linh hoạt áp dụng biện pháp với doanh nghiệp nợ thuế

Theo quy định pháp luật, việc xử lý nợ thuế là nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN. Tuy nhiên, với những đối tượng chây ỳ thì Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định 7 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với DN nợ thuế. Cụ thể bao gồm: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, phong tỏa tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Ngừng sử dụng hóa đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Nói về hiệu quả khi áp dụng các biện pháp, chia sẻ trên báo chí, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, tùy từng DN nợ thuế mà hiệu quả của các biện pháp sẽ khác nhau. Chẳng hạn, với những DN đang có hoạt động xuất nhập khẩu thì biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hay cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, phong tỏa tài khoản là những biện pháp có hiệu quả ngay lập tức. Với những DN không có hoạt động xuất nhập khẩu nhưng có các hoạt động kinh doanh khác thì biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là hiệu quả.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, có những biện pháp khi thực hiện không mang lại kết quả trong việc thu hồi nợ như biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên và biện pháp cưỡng chế bằng thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ vì các đơn vị liên quan thường không phối hợp cung cấp thông tin hoặc không có thông tin.

Tại Cục Hải quan Lạng Sơn, thời gian qua, đơn vị cơ bản chỉ áp dụng 5/7 biện pháp cưỡng chế và mang lại hiệu quả. Đối với biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên và biện pháp cưỡng chế bằng thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ khi thực hiện quy trình thủ tục xác minh tài sản để thực hiện cưỡng chế gặp rất nhiều trở ngại.

Ngoài 7 biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 125, Luật Quản lý thuế 2019 đã bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của DN đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Áp dụng quy định này, nhiều đơn vị hải quan đã “mạnh tay” trong việc cưỡng chế nợ thuế và thu được kết quả nhất định.

Đọc thêm