Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Chính phủ rất quan tâm tới cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, một cuộc Cách mạng được đánh giá là sẽ mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển, giúp rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách “đi tắt, đón đầu”, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn. Hải quan là ngành “gác cửa” cho nền kinh tế đất nước, ông có kế hoạch gì để chủ động “đi tắt, đón đầu” và tham gia sâu rộng vào cuộc Cách mạng này, thưa ông?
- Trong nhiều năm trở lại đây, cơ quan Hải quan luôn là một trong những đơn vị đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Theo công bố mới đây về xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính năm 2018, thì Tổng cục Hải quan cũng là đơn vị dẫn đầu trong xếp hạng chỉ số ứng dụng CNTT của ngành Tài chính.
Đối với cuộc CMCN 4.0, ngày 25/5/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết số 02-NQ/ BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Theo đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) trong quản lý, giám sát hải quan như triển khai hệ thống định vị điện tử phục vụ công tác giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải quá cảnh… Chúng tôi cũng sẽ ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (bigdata) trong công tác quản lý rủi ro, công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra phòng chống buôn lậu; ứng dụng công nghệ di động (mobility) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan cũng sẽ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong việc hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; tăng cường tích hợp, kết nối các hệ thống CNTT nhằm phục vụ công tác quản lý hải quan trong toàn Ngành.
Ngoài ra, các kết quả của cuộc CMCN 4.0 cũng sẽ được nghiên cứu, ứng dụng nhằm hoàn thiện môi trường làm việc điện tử trong ngành Hải quan như ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật trong việc xây dựng và triển khai hội nghị truyền hình, triển khai hệ thống lưu trữ dữ liệu điện tử tích hợp các hồ sơ nghiệp vụ của ngành Hải quan…
Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng cơ quan Hải quan điện tử, văn minh, hiện đại theo mô hình quản lý hải quan tập trung thống nhất, theo hướng dịch vụ với chất lượng quốc tế, chuẩn bị tiền đề vững chắc để xây dựng Hải quan số, đáp ứng toàn diện nhu cầu thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc - mọi nơi - mọi phương tiện. Mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia thủ tục hải quan.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn |
Đã cải cách, hiện đại hoá từ rất sớm
Được biết cải cách, hiện đại hoá (CCHĐH) hải quan là một chủ trương lớn được ngành Hải quan kiên trì thực hiện trong suốt thời gian qua, xin Tổng cục trưởng cho biết những kết quả nổi bật mà Ngành đã đạt được khi thực hiện mục tiêu này?
- Ngành Hải quan đã thực hiện công tác CCHĐH từ rất sớm (2003), đặc biệt triển khai mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây, và đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, gắn với từng giai đoạn phát triển của ngành, góp phần đưa ngành Hải quan trở thành một trong những cơ quan quản lý nhà nước đi đầu trong việc triển khai thành công một loạt hoạt động mới, mang tính đột phá.
Những kết quả mà ngành Hải quan đã đạt được rất nhiều, nhưng có thể kể tới một số hoạt động nổi bật như Ngành đã xây dựng được Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và cơ bản hoàn thành 5 mục tiêu chiến lược đề ra, trong đó thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử; nghiên cứu, xây dựng nền tảng cơ bản triển khai Cơ chế một cửa ASEAN.
Cùng thời gian này, đội ngũ cán bộ, công chức hải quan đã được đào tạo bài bản, tinh nhuệ hơn trước rất nhiều, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế.
Đơn giản thủ tục hải quan đồng nghĩa với việc tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng cũng thường kéo theo những rủi ro tiềm ẩn (như buôn lậu, gian lận thương mại...). Vậy ngành Hải quan đã triển khai những phải pháp phòng ngừa gì, thưa ông?
- Đó là một thực tế mà ngành Hải quan phải đối mặt, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi chậm lại hay nao núng trong nỗ lực CCHĐH hải quan. Với quyết tâm “tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!