Đánh giá cao sự phát triển của ngành hàng không thời gian qua, PGS.TS. Hoàng Văn Cường (ĐBQH TP Hà Nội) vẫn cho rằng, để “sải cánh” ra thế giới ngành hàng không Việt Nam vẫn cần có sự đầu tư từ nhiều nguồn lực và cần có chiến lược để phát triển vươn tầm quốc tế
Để ngành hàng không Việt Nam phát triển và có thể vươn ra thế giới theo ông đòi hỏi những yếu tố nào?
Hàng không Việt Nam phát triển tương đối khá, các hãng hàng không ở ta như Vietnam Airlines, Vietjet đã vươn ra tầm thế giới, đủ sức cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế.
Tôi thấy rằng Hàng không Việt Nam khi ra nước ngoài được đánh giá tốt, an toàn, ít xảy ra những sự cố hàng không; dịch vụ hàng không tương đối chuyên nghiệp, vai trò điều hành của cơ quan quản lý nhà nước cũng đã được nâng lên.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn đang thiếu một tầm nhìn dài hạn trong phát triển hàng không. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng là với hàng không, chúng ta cần có chiến lược dài hạn trong bối cảnh vươn ra tầm quốc tế.
Nhưng để vươn ra quốc tế, trước hết chúng ta cần có quy hoạch hàng không trong nước, đồng bộ từ kỹ thuật tới an toàn, dịch vụ chuyên nghiệp, đội ngũ nhân lực, xây dựng hạ tầng, đầu tư cho đội tàu bay…
Theo ông, với xự phát triển hiện nay, hàng không nội địa làm thế nào để không mất thị phần vào các hãng hàng không nước ngoài?
Gần đây có nhiều hãng hàng không trong nước đầu tư vào để tạo sự cạnh tranh. Nhưng tôi cho rằng, khi các hãng hàng không nước ngoài vào Việt Nam sẽ là cơ hội để chúng ta cạnh tranh, học hỏi, đầu tư thiết bị hiện đại tạo ra dịch vụ khác biệt, mang bản sắc Việt Nam.
Tuy nhiên trong nội địa chúng ta vẫn cần làm tốt hơn để phát triển tương xứng với tiềm năng, nhất là khai thác lợi thế về đội ngũ nhân viên có trình độ cao, chịu khó học hỏi.
Đồng thời cần khắc phục được điểm hạn chế của các hãng hàng không trong nước là phong cách phục vụ nội địa vẫn cần cải thiện để tốt hơn nữa.
Theo ông cần giải quyết bài toán hạ tầng cho ngành hàng không như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển?
Thực tế hiện nay cơ sở hạ tầng của một số sân bay còn hạn chế vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu của hành khách, cản trở sự phát triển, ảnh hưởng đến khả năng khai thác của các hãng hàng không.
Theo tôi, chúng ta cần quy hoạch lại hệ thống sân bay trong nước, tập trung đầu tư hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất tương xứng với tầm quốc tế, để vươn lên trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế.
Đối với bài toán hạ tầng, Việt Nam có thể thu hút vốn từ những nguồn nào, đầu tư ra sao để đạt hiệu quả tối ưu?
Thu hút đầu tư, xã hội hoá để tư nhân có thể tham gia là điều tất yếu khi hội nhập, điều này sẽ giúp ta có những cạnh tranh mới, nguồn lực đầu tư mới.
Nhà nước cần bỏ những rào cản kinh doanh để thu hút đầu tư trên nguyên tắc có sự lựa chọn khách quan, minh bạch.
Xin cảm ơn ông!