Ngành logistics muốn lao động được ưu tiên tiêm vắc xin

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vừa có Công văn gửi tới Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho lao động trong ngành dịch vụ logistics.
Logistics là mạch máu của nền kinh tế.
Logistics là mạch máu của nền kinh tế.

Theo VLA, trước tình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát và lan rộng như hiện nay có khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics, làm xáo trộn đứt gãy trong chuỗi dịch vụ Logistics, tạo ra những biến động khó lường trên thị trường và bất lợi chung cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn này là mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Vì vậy, VLA đề xuất Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét ưu tiên tiêm phòng Vaccine COVID-19 cho lực lượng lao động trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Đây là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được ưu tiên tiêm phòng dịch để phục vụ sản xuất, lưu thông phân phối và y tế.

Hiện lực lượng lao động trong ngành dịch vụ logistics có khoảng trên 150.000 nhân viên của hơn 500 doanh nghiệp bao gồm: Lao động hoạt động trong các cảng biển, sân bay, kho bãi, cảng cạn (ICD). Lao động là lái xe tham gia trực tiếp trong các hoạt động vận tải hàng hóa đường biển, đường sông, đường sắt và đặc biệt là đường bộ.

Ngoài ra, lao động là quản lý kho hàng và phân phối hàng hóa. Lao động tham gia trực tiếp trong công tác làm thủ tục hải quan, giao nhận, làm các thủ tục, chứng từ vận tải cũng là các đối tượng thuộc ngành dịch vụ logistics.

Theo đó, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế của Hiệp hội, các lao động được đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin gồm: Lao động hoạt động tại Cảng Biển, Sân bay, Kho bãi, Cảng cạn (ICD); Lao động tham gia trực tiếp trong các hoạt đông vận tải hàng hóa đường biển, đường sông,dường sắt và đặc biệt là đường bộ (các lái xe); Lao động tham gia trực tiếp trong công tác quản lý kho hàng và phân phối hàng hóa; Lao động tham gia trực tiếp trong công tác làm thủ tục hải quan; giao nhận, làm các thủ tục, chứng từ vận tải liên quan, tiếp xúc với nhiều cơ quan, nhiều người khác nhau.

Liên quan tới vấn đề đề xuất của VLA, Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - ông Trần Thanh Hải, cũng cho rằng nên đưa các lao động trong ngành dịch vụ logistics vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin vì logistics là một ngành thiết yếu của nền kinh tế, có nhiệm vụ kết nối sản xuất, đảm bảo cho hàng hóa lưu thông. Những người hoạt động trong ngành logistics phải đi lại và tiếp xúc nhiều nên thuộc diện rủi ro cao nếu chẳng may họ mắc thì nguy cơ phát tán ra cộng đồng sẽ rất rộng.

Hiện nay, đại đa số các doanh nghiệp logistics đều thuê văn phòng làm việc tại các tòa nhà lớn, nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều nghành nghề và rất đông người nên mức độ rủi ro về dịch bệnh lại càng lớn.

Ngành nghề Logistics có biên lợi nhuận rất thấp nên các doanh nghiệp đều phải tiết kiệm tối đa chi phí đặc biệt là chi phí văn phòng nên có nhiều doanh nghiệp môi trường làm việc rất chật chội cả về chỗ ngồi làm việc và không gian nên nếu có một người bị bệnh thì chắc chắn mức độ lây nhiễm cho cả công ty là rất nhanh và cao.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đã ký công văn số 3150/CV-BCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động tại hệ thống phân phối bán lẻ để kịp thời bảo vệ người lao động tại tuyến đầu chống dịch, bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) mới đây cũng có đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vắc xin phòng dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí do các doanh nghiệp trong ngành đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.

Đọc thêm