Mất thế chủ động trên sân nhà
Đường là một trong số bốn mặt hàng Việt Nam bảo lưu, duy trì, áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan với hầu hết các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Với Cộng đồng kinh tế ASEAN, đường là mặt hàng có thời hạn cắt giảm thuế lâu nhất.
Thậm chí, Việt Nam xin lùi thời hạn cắt giảm thuế thêm 2 năm so với cam kết ban đầu. Do đó, đến năm 2020, ngành mía đường Việt Nam mới bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với mức thuế nhập khẩu (NK) 5%.
Ngay năm đầu thực thi, NK đường từ Thái Lan đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 330% so với năm 2019.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương cho biết, DN đã có một vùng nguyên liệu trên 10.000ha, hợp đồng với trên 30.000 hộ nông dân với sản lượng đường trên 60.000 tấn. Tuy nhiên, từ năm 2018-2020, DN đã gặp rất nhiều khó khăn, đến mức diện tích trồng cây mía chỉ còn khoảng 2.000ha, kinh doanh thua lỗ trên 200 tỷ đồng/năm.
Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trước khi ngành đường mở cửa hội nhập, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường. Đến tháng 9/2020 chỉ có 30 nhà máy còn hoạt động (trong đó có 17 nhà máy thua lỗ), khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và hơn 93 nghìn nông hộ nông bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký VSSA cho biết, các nước khác cũng đã hội nhập ATIGA như Việt Nam thì hiện tượng như thế chưa hề xảy ra. Trước Việt Nam, đã có những nước khác bao gồm Thái Lan, Phillipines và Indonesia đã thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010, 2015.
Tuy nhiên, họ hội nhập theo cách khác. Thái Lan hội nhập nhưng không cho NK đường; Indonesia và Phillipines cũng hội nhập, cũng thực thi ATIGA và cũng cho phép NK đường nhưng chỉ NK đường khi nào đường trong nước đã tiêu thụ hết.
Trước thực trạng này, các DN sản xuất đường trong nước đã thu thập thông tin và gửi hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan lên Bộ Công Thương. Ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1578 QĐ-BCT áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại (PVTM) 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan NK vào Việt Nam.
Theo đánh giá của VSSA, từ thời điểm bị áp dụng biện pháp PVTM, lượng đường NK từ Thái Lan giảm tới 75%. Điều này làm giảm tốc độ cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước và giúp giá đường sản xuất trong nước tăng lên.
Ngành mía đường sẽ sớm hồi phục?
Ông Nguyễn Văn Lộc khẳng định, biện pháp PVTM áp dụng với mía đường NK từ Thái Lan đã có tác dụng rất rõ ràng. Trước mắt là chặn đứng đà suy thoái của ngành mía đường ngay từ khi bắt đầu công bố điều tra vào (tháng 9/2020). Bởi ngay trong thời kỳ mới điều tra, VSSA đã khuyến cáo các nhà máy nâng giá thu mua mía lên, điều này khiến cho đà giảm diện tích trồng mía... dừng lại. Tiếp theo, giá đường của Việt Nam bắt đầu tiệm cận giá các nước trong khu vực.
“Đến ngày hôm nay, giá mía mà ngành mía đường Việt Nam đang mua cho nông dân bằng giá mua mía của nông dân Indonesia, Philippines. Chúng tôi tự tin nói, giá thu mua mía mà người nông dân Việt Nam đang được hưởng đã cao hơn giá mía người nông dân Thái Lan đang được hưởng”, ông Lộc khẳng định.
Ông Võ Văn Út, đại diện các hộ nông dân trồng mía tỉnh Phú Yên - cho biết, ngay từ đầu niên vụ 2020-2021, khi bắt đầu có thông tin khởi xướng điều tra chống bán phá giá chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan, nhà máy đã tăng giá mua mía của nông dân cao hơn 150.000 đồng/tấn mía so với vụ 2019-2020. Niên vụ 2021-2022, giá thu mua mía đã cao hơn năm trước 100.000 đồng/tấn.
“Chúng tôi rất phấn khởi vì với giá mía này đời sống bà con nông dân sẽ được cải thiện. Nếu giá mía này được duy trì trong thời gian sắp đến, chắc chắn chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng mía hơn nữa”, ông Út chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương cũng khẳng định, trong niên vụ 2020-2021 nếu không có quyết định áp dụng biện pháp PVTM đối với sản phẩm đường NK từ Thái Lan, giúp giá đường trong nước tăng trở lại thì chắc chắn công ty ông cũng sẽ phải đóng cửa và phá sản (trước đó đã đóng cửa 1 trong 2 nhà máy).
“Nếu thị trường tiếp tục ổn định như hiện nay, trong vòng 3-4 năm nữa chắc chắn các nhà máy đường sẽ hồi phục và phát triển”, ông Minh khẳng định.