Ngành Than chỉ sản xuất “cái gì mình có”
Việt Nam có trữ lượng than lớn, vẫn khai thác để xuất khẩu. Thế nhưng trong đề án phát triển, mỗi năm chúng ta phải nhập than với số lượng ngày càng lớn. Tiến sĩ giải thích thế nào về điều này?
- Hiện nay có “tháo khoán” thì ngành Than Việt Nam (VN) cũng chẳng xuất được than vì nếu hạch toán đúng, than xuất khẩu sẽ bị lỗ. Còn việc mỗi năm phải nhập khẩu số lượng ngày càng lớn là đương nhiên. Lý do đơn giản là VN không có nhiều than như chúng ta tưởng. Tính bình quân trữ lượng than của thế giới đạt khoảng 150 tấn/người, còn của VN chỉ có khoảng 10 tấn/người (thấp hơn 15 lần). Ngoài ra, nhu cầu phát triển của VN lớn, nhưng hiệu suất sử dụng than lại thấp, chỉ bằng 1/3 của thế giới.
Theo Tiến sỹ, việc TKV tồn đọng 11 triệu tấn than có nguyên nhân từ đâu?
- Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do quản lý nhà nước về sản phẩm than bị buông lỏng.
Thị trường than VN hiện có nhu cầu 5-10 chủng loại than, chủ yếu là than dùng trong các lò hơi (sản xuất điện), lò coke (dùng cho luyện kim đen), lò quay (sản xuất xi măng), lò khí hóa (sản xuất phân bón), lò tunel (sản xuất vật liệu xây dựng).
Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng than được ban hành có tới hàng trăm loại, như than tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn ngành (TCN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS)… Thay vì sản xuất ra “cái thị trường cần” thì các cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ) đã hợp pháp hóa để ngành than chỉ biết sản xuất ra “cái gì mình có”.
Quản lý kỹ thuật bị buông lỏng cũng là nguyên nhân khiến than tồn đọng. Cụ thể, than có nhiều tiêu chuẩn về chủng loại, chất lượng khiến chất lượng than không được quản lý và quản lý không được. Thứ gì lấy ra từ lòng đất cũng có thể được coi là than vì nếu nó không đạt TCVN thì cũng đạt TCN hoặc TCCS… Cái gì “đen đen” cũng được coi là sản phẩm và được hạch toán vào giá thành của mỏ.
Than tồn đọng như hiện nay còn do gian lận. Ở bất kỳ công đoạn nào, người ta cũng có thể đánh tráo (ăn cắp) than tốt, rồi trộn đất đá vào cho đủ khối lượng. Than tốt được đánh, ăn cắp đó được tuồn ra ngoài trước, chiếm lĩnh thị trường của than “chính gạch”. Trong khi than “chính gạch” vừa xấu, vừa phải “gánh” cả chi phí cho than ăn cắp nên ngày càng trở nên đắt, giá bán cao, thị trường không chấp nhận nên ngày càng “tồn” nhiều.
Ngoài ra, giá than ở VN cao hơn giá nhập khẩu cũng là một nguyên nhân khiến than tồn đọng như bây giờ.
Cần xem xét lại vai trò của ngành Than
Tiến sỹ đánh giá thế nào khi ngành Than liên tục kêu khó vì chính sách tăng phí tài nguyên môi trường?
- Khó khăn của ngành Than là sự thật, nhưng do chính sách “tăng phí tài nguyên môi trường” chỉ là phần nhỏ. Cái khó khăn lớn nhất là do chi phí khai thác hiện nay đang tăng lên nhanh, trong khi chất lượng than lại giảm đi rất nhanh. Thực tế mà ngành Than đang phải đối mặt hiện nay là giá thành than sản xuất trong nước đã cao hơn giá than nhập khẩu. Trong khi sức mua cho (nhiệt điện, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng) không hề tăng và Nhà nước cũng không thể bao cấp cho ngành Than thông qua điều tiết giá.
Trước đây, khi đương chức Phó Thủ tướng, ông Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) từng yêu cầu TKV không xuất khẩu than, đặc biệt là than tốt để dự trữ tài nguyên cho nhiệt điện. Thế nhưng năm 2016 TKV xin và được chấp thuận xuất khẩu 2 triệu tấn than cám, chất lượng tốt. Theo Tiến sỹ, lí do nào ngành Than lại xin xuất khẩu 2 triệu tấn than cám chất lượng?
- Nếu các sản phẩm than được hạch toán đúng (phân bổ chi phí theo nhiệt năng) thì chẳng có loại than nào xuất khẩu có lãi. Vấn đề là tư duy phát triển ngành Than đã rất kém ngay từ trong quy hoạch phát triển ngành. Than của VN đang sản xuất chủ yếu là than năng lượng (dùng làm nguồn nhiệt năng). Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các chuyên gia Liên Xô đã khuyên VN không nên xây dựng các nhà máy tuyển than (chỉ cần sàng than thôi). Đối với than năng lượng thì chẳng có nước nào trên thế giới phải đưa than vào tuyển cả, chỉ cần sàng phân loại rồi nghiền bán, nhưng VN vẫn cứ đầu tư xây dựng các nhà máy tuyển than. Nay phải duy trì các nhà máy tuyển than đó, nên sản phẩm làm ra không có thị trường trong nước, phải xuất khẩu (kể cả lỗ nếu hạch toán đúng).
Tức là TKV “sai đường” phát triển?
“Đâm lao thì phải theo lao” thôi, phải duy trì hai nhà máy tuyển. Chẳng lẽ đóng cửa 2 nhà máy tuyển này thì “mang tiếng”, mặc dù nếu đóng cửa sẽ có lợi hơn cho ngành Than và cho ngành điện.
Trước năm 2008, đóng góp của ngành Than cho nền kinh tế là không thể thay thế. Nhưng hiện vai trò và vị trí của “hòn than” thì vẫn như xưa, chỉ có vai trò và vị trí của ngành Than thì phải xem xét lại.
Vấn nạn than lậu do “cả một hệ thống”
Vấn đề khai thác than trái phép, than lậu được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo TS, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng khai thác lậu mà ngành Than chưa kiểm soát được hết như hiện nay?
- Xét về mặt kỹ thuật, tôi có thể khẳng định lượng than tồn kho hiện nay chính bằng lượng than “lậu” (hay nói đúng ra là ăn cắp). Mà “lậu” với qui mô lớn như vậy thì chẳng có một tổ chức, cá nhân đơn lẻ nào có thể làm nổi, phải có cả một “hệ thống”.
Vậy theo ông, cần những thay đổi nào để ngành Than phát triển bền vững, minh bạch, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước?
- Cần quản lý ngành Than theo tư duy thị trường. Trước hết, cần tái cơ cấu theo hướng cổ phần hóa các mỏ và các đơn vị sản xuất, kinh doanh than. Nhà nước chỉ cần nắm 100% cổ phần trong khâu địa chất và khâu vận tải mỏ. Giao toàn quyền cho các đơn vị trong việc thực hiện hợp đồng; chuyển đổi chức năng quản lý kinh doanh theo kế hoạch của TKV hiện nay sang chức năng quản lý chiến lược. Đồng thời có chính sách hỗ trợ ngành Than chuyển mạnh từ khai thác, chế biến sang kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!