Sáng 12/1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của ngành Thanh tra. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo Hội nghị.
Qua kiểm tra xử lý 196 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử
Báo cáo tại Hội nghị cho biết năm 2021, toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương dù ảnh hưởng trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19.
Công tác thanh tra được chú trọng triển khai, bám sát chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực.
Công tác tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt; chú trọng công tác tiếp công dân thường xuyên và định kỳ; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.
Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, gắn với việc thực hiện nhiều nhiệm vụ mới theo Luật Phòng, chống tham nhũng và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nổi bật, toàn ngành đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.034 tỷ đồng, 9.258 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 22.698 tỷ đồng và 811 ha đất; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 3.694 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 437 vụ, 259 đối tượng.
Kiểm tra tại 10.310 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 251 đơn vị vi phạm; kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 4.618 cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiến hành 5.463 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 365 vụ việc vi phạm, 556 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 107,2 tỷ đồng; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.270 cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý 196 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Tập trung thanh tra những hoạt động quản lý thường xuyên tiếp xúc với người dân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn và ghi nhận, biểu dương sự cố gắng với những kết quả của ngành thanh tra trong năm qua. Cơ bản nhất trí, đồng tình với báo cáo của Thanh tra Chính phủ và các ý kiến tham luận của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ ra công tác của ngành Thanh tra vẫn còn những hạn chế, tồn tại, cần sớm khắc phục.
|
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của ngành Thanh tra. |
Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị ngành Thanh tra và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn trong công tác thanh tra.
Ngành Thanh tra cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026 và năm 2022. Triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2022 theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tập trung triển khai có hiệu quả thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; chú trọng thanh tra các lĩnh vực liên quan đến bất động sản, ngân hàng, đảm bảo chất lượng tín dụng. Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở; giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài…
Tập trung vào hoạt động thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, nhất là những khâu, những lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu hệ thống thanh tra tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, theo các quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Quốc hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra tất cả các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng. Chú trọng việc củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Linh hoạt triển khai nhiệm vụ căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19
Năm 2022, Thanh tra Chính phủ tiếp tục bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ (Thông báo Kết luận số 159/TB-VPCP ngày 12/6/2021 của Văn phòng Chính phủ), đồng thời căn cứ tình hình diễn biễn thực tế của dịch bệnh COVID-19 linh hoạt triển khai thực hiện đồng bộ các yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, trong công tác thanh tra, bám sát và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành, định hướng công tác thanh tra năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra.
Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.
Tiếp nhận các bản kê khai tài sản theo quy định; khẩn trương triển khai thực hiện Đề án về cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sau khi Bộ Chính trị đồng ý, thông qua…