Ngành Thuế triển khai lựa chọn 19 công cụ, ứng dụng CNTT trên toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với trên 80 công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) do các Cục Thuế tự xây dựng và phát triển, ngành Thuế đã lựa chọn 19 công cụ, ứng dụng triển khai mở rộng trên toàn quốc.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh

Ngày 27/11, tại Bà Rịa- Vũng Tàu, Tổng cục Thuế đã triển khai Hội nghị giới thiệu 19 công cụ, ứng dụng CNTT do Cục Thuế xây dựng để lựa chọn triển khai mở rộng trên toàn quốc.

Hội nghị có sự tham gia của các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và lãnh đạo, công chức của 42 Cục Thuế, gồm Cục Thuế các tỉnh miền Nam; Cục Thuế miền Bắc và miền Trung và 11 Cục Thuế có công cụ, ứng dụng được giới thiệu tham gia trình bày tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Thuế đã và đang nỗ lực thúc đẩy CĐS. Với trên 80 công cụ, ứng dụng CNTT do các Cục Thuế tự xây dựng và phát triển, ngành Thuế đã lựa chọn 19 công cụ, ứng dụng triển khai mở rộng trên toàn quốc.

“Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý là bước tạo đà quan trọng để ngành Thuế cụ thể hóa mục tiêu CĐS toàn diện của Bộ Tài chính và của Chính phủ…”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

Với 19 công cụ được ngành Thuế lựa chọn từ 80 công cụ, ứng dụng CNTT được giới thiệu tại cả 3 miền Bắc-Trung-Nam lần này sẽ được tiếp tục hoàn thiện, phát triển và nhân rộng ra toàn ngành, phục vụ đắc lực mục tiêu hiện đại hóa ngành Thuế.

Bên cạnh đó, việc chủ động xây dựng các công cụ, ứng dụng CNTT để áp dụng vào công tác quản lý Thuế (QLT) tại đơn vị đảm bảo phù hợp và hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức quản lý hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp của ngành Thuế đóng góp tích cực vào mục tiêu CĐS quốc gia.

Các công cụ, ứng dụng sẽ được Cục CNTT thẩm định theo các bước chặt chẽ để khi đưa vào thực tiễn sẽ phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý
Các công cụ, ứng dụng sẽ được Cục CNTT thẩm định theo các bước chặt chẽ để khi đưa vào thực tiễn sẽ phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh thẳng thắn nhìn nhận và khẳng định, nhiệm vụ CĐS chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại.

“Chính vì vậy ngành Thuế đã và đang triển khai áp dụng nhiều công cụ, ứng dụng CNTT, hiện đại hóa công tác QLT để hướng tới mục tiêu phục vụ người nộp thuế thực hiện pháp luật thuế được tốt nhất…” - Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định.

Được biết, 19 công cụ, ứng dụng CNTT do chính các Cục Thuế các tỉnh, thành xây dựng và phát triển liên quan đến 5 nhóm về lĩnh vực công tác thuế gồm: (i) Công tác QLT và quản lý hộ cá nhân kinh doanh; (ii) Kiểm soát dữ liệu hóa đơn điện tử; (iii) Đăng ký thuế, kê khai và kiểm soát hồ sơ kê khai thuế; (iv) Cung cấp các kênh hỗ trợ người nộp thuế; (v) Hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý rủi ro đều là những quy trình nghiệp vụ QLT hết sức quan trọng được ngành Thuế ưu tiên nghiên cứu và phát triển.

Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, căn cứ vào tình hình thực tế của các cơ quan thuế địa phương cũng như năng lực trí tuệ sáng tạo của cơ sở, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục CNTT tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích các Cục Thuế căn cứ vào quá trình triển khai nhiệm vụ của đơn vị, cần tìm ra những nhược điểm của phương thức QLT thủ công để từ đó mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất và xây dựng ứng dụng CNTT QLT hiệu quả.Với những sáng kiến, cải tiến ứng dụng để khai thác hiệu quả dữ liệu lớn phục vụ cho bài toán quán lý thực tiễn tại địa phương, điển hình như một số ứng dụng qua thẩm định và triển khai trong thực tiễn đã phát huy hiệu quả.

“Thời gian tới, nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT của ngành Thuế còn rất nặng nề và cấp bách, cần sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ của cơ quan thuế các cấp. Vì vậy cơ quan thuế các cấp, đặc biệt là hệ thống CNTT ngành Thuế cần tập trung nguồn lực phối hợp triển khai, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó xem phát triển nguồn nhân lực là giải pháp then chốt để thực hiện CĐS hiệu quả và bền vững. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu; kỹ năng quản trị vận hành hệ thống CNTT cho cán bộ, công chức hàng năm, để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số và cùng tham gia vào quá trình CĐS.” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

Đọc thêm