Đồng bằng sông Cửu Long là nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để tập trung phát triển thành vùng sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm của cả nước. Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại bất cập về quy mô sản xuất nhỏ, manh mún nên chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất, sản lượng. Cần tập trung thúc đẩy liên kết quy hoạch lại vùng nuôi.
Một nghịch lý còn tồn tại là giá thành tôm nuôi ở Việt Nam luôn rất cao (so với các nước như: Ấn Độ, Thái Lan…) do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, chính điều này đã làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành Tôm Việt Nam.
Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, để ngành Tôm tăng trưởng một cách bền vững thì cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tập trung vào những mô hình nuôi phù hợp để giảm thiểu rủi ro cho người dân. Phải rà soát lại quy hoạch để triển khai tiến bộ kỹ thuật vào từng loại hình canh để làm sao phát triển một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra phòng dịch bệnh và những giải pháp kèm theo làm sao để người dân có những ứng phó và chủ động trong nuôi tôm.
“Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu thì quá trình nuôi đóng vai trò quan trọng, động viên người dân tổ chức lại liên kết sản xuất tạo ra những cánh đồng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiếp cận vật tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất và chất lượng được đảm bảo. Ngoài ra sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đầu vào để làm sao kiểm soát tốt, ngay từ đầu con tôm đã đảm bảo để người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất” - ông Luân nói.
TS. Phạm Anh Tuấn, chuyên gia độc lập có nhiều nghiên cứu về ngành Tôm Việt Nam cho biết, tôm là sản phẩm có vị trí rất quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 3 tỷ USD, tạo ra khoảng 2 triệu việc làm, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nghề nuôi tôm ở Việt Nam trở nên tiềm năng bậc nhất trong ngành nông nghiệp với thị trường rộng lớn, khả năng sản xuất và mở rộng vùng nuôi.
Ngành Tôm Việt Nam đã đến lúc minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường việc thực thi các biện pháp để nâng cao chất lượng giống, thức ăn. Đặc biệt, là cần xây dựng thương hiệu để đảm bảo tôm Việt Nam có thể khẳng định lợi thế trên thị trường toàn cầu.
Tại buổi đối thoại còn lấy ý kiến cho Kế hoạch hành động phát triển ngành Tôm Việt Nam đến năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, xác định mục tiêu đưa ngành Tôm tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững, chế biến tôm chất lượng cao. Đồng thời, áp dụng công nghệ để nâng cao giá trị và sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu ngành Tôm năm 2025 đạt mức 10 triệu USD.