Nhiều mặt đạt kết quả tích cực
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Theo ông Đào Chuẩn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngay từ đầu năm 2022, ngành Tư pháp tỉnh đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác để triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức triển khai công việc theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, sát với điều kiện thực tế.
Trong công tác xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản QPPL được tiến hành bài bản hơn ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản đến xây dựng và ban hành văn bản, đặc biệt là vị trí, vai trò thẩm định, góp ý của Sở Tư pháp được nâng cao. Sở Tư pháp tham gia góp ý 282 dự thảo văn bản do các cơ quan Trung ương và các Sở, ban, ngành trưng cầu, trong đó có 109 dự thảo văn bản QPPL (tăng 9% so với năm 2021), đảm bảo thời gian và chất lượng góp ý. Tiếp nhận và thực hiện thẩm định 97 dự thảo văn bản, trong đó có 02 đề nghị xây dựng Nghị quyết, 25 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh; 66 dự thảo Quyết định của UBND tỉnh do các Sở, ban, ngành gửi đến và 04 dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh do Sở Tư pháp soạn thảo.
Trao Bằng khen của Bộ Tư pháp cho các các nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong năm 2022 |
Công tác kiểm tra văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tự kiểm tra 51/51 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành và thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với với 26 văn bản QPPL do HĐND, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế gửi đến. Kết quả tự kiểm tra và kiểm tra các văn bản QPPL không có dấu hiệu trái pháp luật. Thực hiện ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đã tổ chức 04 đoàn kiểm tra và thực hiện kiểm tra 106 văn bản QPPL do HĐND, UBND các huyện Nam Đông, Phong Điền, A Lưới và thành phố Huế ban hành. Kết quả phát hiện 01 văn bản trái pháp luật về nội dung, 02 văn bản ban hành trái thẩm quyền và 29 văn bản có sai sót thể thức, kỹ thuật trình bày.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đạt nhiều kết quả quan trọng, nội dung PBGDPL được đổi mới, sát nhu cầu xã hội; hình thức PBGDPL đa dạng, nhiều hình thức được áp dụng có sức lan tỏa lớn và rất hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL. Đặc biệt, công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù được quan tâm chỉ đạo triển khai, ngoài việc ký kết hợp đồng phối hợp với các ngành, công tác này được thực hiện thông qua việc lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, các Đề án có liên quan và qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Một số hoạt động đã được triển khai như: phổ biến trực tiếp tại cơ sở, phát hành tài liệu tuyên truyền (tờ gấp, Bản tin tư pháp...), truyền thông qua báo chí, phương tiện thông tin đại chúng...
Bên cạnh đó, công tác hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật được đẩy mạnh, góp phần ngăn ngừa các hành vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh hiện có 1.106 Tổ hòa giải với 6.598 hòa giải viên tại các thôn, tổ dân phố. Tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải trong năm 2022 là: 871 vụ, việc. Kết quả hòa giải thành là 713 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 81,9%); số vụ việc hòa giải không thành 128 vụ, chiếm tỷ lệ 14,7%; số vụ việc chưa giải quyết xong 30 vụ, chiếm tỷ lệ 3,4%...
Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình biểu dương những kết quả mà ngành Tư pháp đạt được trong năm 2022 và đề nghị tiếp tục nỗ lực phấn đấu trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, đề nghị ngành Tư pháp cần thẳng thắn nhìn rõ những hạn chế, tồn tại; rút kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục trong thời gian sắp tới.
Ông Bình đề nghị ngành Tư pháp tiếp tục tham mưu đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ, kiến thức pháp lý cho mọi tầng lớp nhân dân; tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức các cơ quan Tư pháp các cấp trong tham mưu giải quyết các vấn đề pháp chế và Tư pháp tại địa phương.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật luôn được ngành Tư pháp Thừa Thiên Huế chú trọng triển khai với nhiều hình thức. |
Cùng với đó, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp và pháp chế, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trực tiếp gắn liền với người dân, doanh nghiệp. Chú trọng triển khai thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp; tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ Tư pháp, hành chính Tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đăng ký biện pháp bảo đảm,… nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đã trao tặng các bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, của Giám đốc Sở Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Tư pháp năm 2022.
Dịp này, Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế cũng phát động phong trào thi đua năm 2023 với chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”.