Ngành Tư pháp tạo cơ hội phát triển tốt nhất cho cán bộ nữ

(PLO) - Chiều 5/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc tọa đàm triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2016, giai đoạn 2016 — 2020.
Ngành Tư pháp tạo cơ hội phát triển tốt nhất cho cán bộ nữ

Các ý kiến tại tọa đàm cho thấy, chỉ tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ, ngành từng bước được nâng lên, tạo điều kiện và cơ hội phát triển như nhau cho cả nam và nữ.

Sẽ bảo đảm kinh phí cho công tác vì sự tiến bộ phụ nữ

Trình bày báo cáo của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà khẳng định: Với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, các cấp ủy Đảng, sự tích cực của Thủ trưởng các đơn vị, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức, việc triển khai, thực hiện công tác nữ và bình đẳng giới (BĐG) đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong công việc, gia đình và xã hội, tạo cơ sở thực hiện BĐG trong thời kỳ mới.

Nổi bật là công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ luôn được Bộ Tư pháp coi trọng, yêu cầu phải đạt tỷ lệ tối thiểu 20 — 30% ở mỗi chức danh quy hoạch. Cụ thể, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ đã làm tốt công tác quy hoạch, bảo đảm vượt mức đề ra, trong đó quy hoạch lãnh đạo cấp phòng giai đoạn 2012 — 2015, giai đoạn 2016 — 2021 đạt trên 50% công chức nữ.

Tỷ lệ nữ trong quy hoạch lãnh đạo cấp vụ giai đoạn 2012 — 2015 đạt 35,5%, giai đoạn 2016 — 2021 đạt 41,8%. Quy hoạch, rà soát, bổ sung lãnh đạo Bộ giai đoạn 2015 — 2016 được Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt có 4/19 đồng chí là nữ, giai đoạn 2016 — 2021 có 1/21 đồng chí là nữ.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động VSTBPN và BĐG, ngành Tư pháp còn một số vấn đề khó khăn, tồn tại. Vì vậy, năm 2016, Ban VSTBPN sẽ tập trung vào các hoạt động như tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG và VSTBPN; thực hiện tốt việc lồng ghép giới, BĐG trong các công tác chuyên môn từ xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật đến trợ giúp pháp lý, hộ tịch, thi hành án…

Đồng thời, tổ chức kiểm tra tình hình triển khai công tác nữ và BĐG tại các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp địa phương; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, bảo đảm kinh phí hợp lý cho công tác VSTBPN và BĐG…

Đề cao các gương điển hình trong thực hiện bình đẳng giới

Cơ bản tán thành với những đánh giá và định hướng trên, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất thêm một số giải pháp nhằm thúc đẩy pháp luật đi vào thực chất. Theo ông Tuyến, cần tổ chức triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật một cách bài bản, thống nhất, trong đó có các quy định về lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản.

Q.Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Đỗ Xuân Lân lại mong muốn có sự đầu tư, tạo điều kiện thích đáng cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cho các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở vì đây là cấp gần dân nhất. Không những thế, cần chú trọng việc nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện BĐG qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tạo dư luận xã hội công khai qua công tác tuyên truyền với những vụ việc vi phạm về BĐG.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác BĐG và VSTBPN. Thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập, Thứ trưởng yêu cầu phải áp dụng quyết liệt các giải pháp để khắc phục trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ, nhất là Thủ trưởng các đơn vị, phải tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, tạo điều kiện giúp đỡ chị em hoàn thành nhiệm vụ, nắm bắt được cơ hội phát triển và quan tâm kiện toàn cán bộ đầu mối làm công tác VSTBPN. Đối với các thành viên Ban VSTBPN của ngành, của các đơn vị, cần tích cực tham mưu lồng ghép công tác này vào hoạt động chuyên môn, đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra…

Đọc thêm