Bộ Tư pháp đi kháng chiến
Trên ngọn đồi ở thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có một Nhà bia và Phòng truyền thống của ngành Tư pháp. Công trình được khánh thành năm 2010 tuy không lớn nhưng từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “địa chỉ về nguồn” của cán bộ, công chức ngành Tư pháp - nơi gửi gắm tình cảm sâu nặng, sự tri ân của ngành đối với các thế hệ trước.
![]() |
Văn bia ở nhà bia có đoạn viết: Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bộ Tư pháp cùng Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc. Từ năm 1949 đến năm 1950, Bộ Tư pháp đóng trụ sở tại thôn Mới, xã Minh Thanh. Chính nơi đây, trong sự đùm bọc, chở che đầy tình nghĩa của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, những cán bộ tư pháp đầu tiên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lãnh đạo công tác tư pháp toàn quốc, giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, pháp luật và duy trì công tác công tố, xử án, góp phần xứng đáng vào việc giữ vững chính quyền nhân dân, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi...
Trước khi lên “thủ đô kháng chiến” Việt Bắc, ngày 2/3/1946, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với mười Bộ. Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe được điều động sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
“Từ buổi đầu được khai sinh cùng chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ cho đến những tháng năm gian lao của hai cuộc kháng chiến trường kỳ và đặc biệt là hơn 40 năm tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong từng giai đoạn cụ thể, do điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Tư pháp đã có những thay đổi về tổ chức, thu hẹp hoặc mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng vẫn luôn đồng hành cùng cả nước trên những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, Nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích và hạnh phúc của Nhân dân.
Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, ngành Tư pháp đã cống hiến nhiều công sức và trí tuệ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc; sử dụng pháp luật như một công cụ hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ở trong nước, cũng như đấu tranh pháp lý trên mặt trận ngoại giao, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, giành lại và giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, thống nhất đất nước. Các thế hệ thẩm phán, công tố viên, luật sư, thừa phát lại, cán bộ tư pháp đã tận tụy cống hiến; nhiều người đã anh dũng hy sinh, được suy tôn là “Chiến sĩ trên mặt trận Tư pháp”.
- Trích phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, 24/8/2015.
Theo hồi ký của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, thời gian này trụ sở Bộ đóng ở phố Nguyễn Tri Phương, cạnh Cột cờ Hà Nội ngày nay. Trước tình hình căng thẳng, cuối năm 1946, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ đã phác thảo kế hoạch di chuyển cơ quan và phân tán nhân viên gửi đến từng Bộ. Đêm 19/12/1942, chiến sự bùng nổ. Sáng 20/12/1946, lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến phát đi trên sóng phát thanh: “...Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.
Trong khí thế sục sôi, cả nước bước vào cuộc kháng chiến, sáng 20/12/1946, cán bộ, nhân viên Bộ Tư pháp bí mật di chuyển về Hà Đông rồi men theo sông Nhuệ về làng Cự Đà. Tại đây, Bộ có cuộc làm việc với 5 giám đốc tư pháp liên khu, thống nhất cách thức giữ liên lạc, định ra mật mã, mật lệnh, khẩu lệnh, bí danh, trạm mật, đường dây giao thông...
Ngày 29/12/1946, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông lệnh số 12/NV-CT về tổ chức tư pháp trong tình thế đặc biệt. Theo đó, ở mỗi khu đặt một giám đốc tư pháp để trông coi việc tư pháp trong khu và giúp ý kiến cho Ủy ban bảo vệ khu mỗi khi ra quyết nghị gì có liên can đến tư pháp.
Đêm 30 Tết năm 1947, Hội đồng Chính phủ quyết định chuyển toàn bộ cơ quan đầu não kháng chiến lên chiến khu Tân Trào - Tuyên Quang theo phương châm: “Mau lẹ, kịp thời, tuyệt đối bí mật”. Chiều tối hôm sau, cơ quan Bộ Tư pháp chia làm hai đoàn lên chiến khu. Một đoàn theo đường thủy, ngược sông Bùi lên sông Hồng, sông Chảy. Nửa còn lại theo đường bộ lên Hòa Bình, đóng bè xuôi sông Đà, tới Ngã ba Bạch Hạc thì đi bộ tiếp lên Tuyên Quang. Hai đoàn gặp nhau ở Bến Bình Ca - cửa ngõ của An toàn khu Tân Trào.
![]() |
Trong năm 1947, dù trong hoàn cảnh kháng chiến nhưng các Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần I, II và III đã được tổ chức nhằm giúp cho Bộ Tư pháp nắm sát hơn về tình hình tư pháp trong cả nước. Đặc biệt, Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ III tổ chức vào cuối tháng 9 năm 1947 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe đã thảo luận và quyết nghị một số vấn đề quan trọng như: Việc bảo đảm tự do cá nhân và chế độ lao tù; việc tổ chức tư pháp trong các vùng bị quân địch chiếm đóng; chế độ cho các luật sư trong thời kỳ chiến tranh; vấn đề tư pháp công an...
Cuối năm 1948, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe có bài viết về “Tư pháp kháng chiến” nhằm thống nhất nhận thức, động viên, thúc giục cán bộ tư pháp hòa mình vào cuộc kháng chiến, không được phép “đứng ngoài tư tưởng kháng chiến, đứng ngoài cuộc kháng chiến” của toàn dân tộc. Bộ trưởng cho rằng, trong cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn diện, phải mở một mặt trận tư pháp, đánh giặc bằng khí giới tư pháp, trong việc xử án, bằng việc xử án.
![]() |
Ông thúc giục mỗi cán bộ tư pháp phải xông pha nguy hiểm, chịu đựng gian khổ, có khi phải hy sinh tính mệnh để tranh giành với giặc công việc xử án cho dân, bởi đó là tượng trưng chính quyền của ta một cách rõ rệt và nó làm cho Nhân dân tin tưởng vào chính quyền cách mạng “có khi lại công nhiên mở phiên tòa ngay sát vị trí địch làm cho dân chúng hết sức khoái trá và tin tưởng ở Chính phủ”. Tư pháp kháng chiến cũng đòi hỏi phải “sửa sang những bộ luật hiện hành để luật pháp của nước Việt Nam dân chủ phải thực sự bảo vệ quyền lợi của đại đa số Nhân dân, chứ không biệt đãi một giai cấp xã hội hay một thiểu số công dân nào”.
Tháng 1 năm 1949, nhân dịp năm mới Kỷ Sửu, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe gửi Bản hiệu triệu tới các thẩm phán và nhân viên tư pháp. Trong đó nhắc lại nhiệm vụ đã đề ra trong Hội nghị Tư pháp toàn quốc: “Thực hiện nền tư pháp kháng chiến” và “Quyết tâm chiến đấu với quân thù bằng khí giới tư pháp”. Ông nhấn mạnh, ở tất cả các nơi, cùng với mọi ngành, “Mỗi bạn phải là một chiến sĩ tư pháp” để trong cuộc toàn thắng này của dân tộc sẽ có những “Anh hùng tư pháp” được tuyên dương công trạng”.
Thể hiện rõ bản chất của chế độ “tư pháp nhân dân”
Một trong những dấu ấn của ngành Tư pháp thời kỳ này là cuộc “Cải cách tư pháp năm 1950”. Cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất được tiến hành trên cả 3 phương diện: Lập pháp - tố tụng - tổ chức ngành Tư pháp. Mục đích của cải cách tư pháp là nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật tương đối toàn diện, thể hiện rõ bản chất của chế độ “Tư pháp nhân dân”, dân chủ hóa thêm một bước tổ chức và hoạt động tư pháp, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của mọi công dân, thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân.
Nổi bật của cuộc cải cách này là việc Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền ban hành nhiều sắc luật mới như: Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật; Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng...
Ngày 10/5/1952, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Nghị định số 48-NĐ/P2 về tổ chức cơ quan trung ương Bộ Tư pháp. Theo đó, cơ quan trung ương Bộ Tư pháp gồm có 4 đơn vị trực thuộc: Văn phòng; Vụ Hành chính tư pháp; Vụ Hình hộ; Ban Nghiên cứu pháp luật.
![]() |
Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp giai đoạn này tập trung vào công việc nghiên cứu và dự thảo các luật lệ, tham gia ý kiến vào các dự án luật lệ do bộ khác chuẩn bị, phổ biến các tài liệu pháp lý dân chủ mới; tổ chức và xây dựng bộ máy tư pháp (Tòa án các cấp, tư pháp xã, tư pháp vùng địch), trại giam, giáo hóa phạm nhân; nghiên cứu và đề nghị đường lối truy tố xét xử và hòa giải, xây dựng án lệ, giải thích áp luật áp dụng trước tòa án.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, phát huy truyền thống của Tư pháp kháng chiến, trong những năm đầu kiến thiết đất nước ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà, ngành Tư pháp tiếp tục nỗ lực giúp Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, chỉ đạo nghiệp vụ công tác tư pháp về xét xử, công tố và các vấn đề liên quan đến tư pháp công an; phát huy quyền tự do, dân chủ của công dân trong xã hội mới.
Các Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ VIII (tháng 4 năm 1954); Hội nghị Tư pháp Liên khu III (tháng 4 năm 1955); Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ IX (tháng 9 năm 1955) tiếp tục tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và đề ra nhiệm vụ, đường lối cho công tác tư pháp.
![]() |
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ, ngành Tư pháp đã đoàn kết, tập trung nỗ lực thực hiện tốt, thành công các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong xây dựng nền móng cho hệ thống pháp luật mới, tổ chức nền tư pháp Nhân dân theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, thiết lập tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, Tòa án, các cơ quan bổ trợ tư pháp, góp phần quan trọng để đất nước thực hiện thành công quản lý xã hội bằng pháp luật, thực hiện thành công cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ của dân tộc; thiết lập đường lối xây dựng kinh tế trong những năm đầu lập lại hòa bình ở miền Bắc.
Ngày 23/1/1957, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I đã bầu ra Ban sửa đổi Hiến pháp năm 1946, ngành Tư pháp vinh dự với hai thành viên tham gia là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe và Thứ trưởng Trần Công Tường. Trong đó, Thứ trưởng Trần Công Tường được tín nhiệm giao viết Lời nói đầu của bản Hiến pháp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm của Thứ trưởng Trần Công Tường với Bác Hồ
Mừng Tết Mậu Tý 1948 cùng đồng bào và một số cán bộ chủ chốt trong ATK, suốt mấy ngày Tết, sáng, Bác cùng mọi người đi chúc Tết đồng bào. Buổi tối, anh em bảo nhau đêm không được nói chuyện để Bác ngủ cho yên. Đêm mồng Ba, ông Trần Công Tường (Thứ trưởng Bộ Tư pháp) và ông Lê Giản (Tổng Giám đốc Nha Công an) được cử ngủ cùng nhà với Bác.
Trước khi ngủ, Bác cười bảo: “Đêm nay ngủ với Công an (ông Giản) và Tòa án (ông Tường) ở bên cạnh, vòng ngoài lại có anh em an ninh và Nhân dân địa phương canh phòng, Bác nhất định vững tâm, yên giấc, còn các chú cũng cứ ngủ cho say để sáng mai về cơ quan làm việc cho tốt, không ngủ gà ngủ gật dông cả năm đấy”. Đêm ấy, hai ông ngủ một giấc ngon lành. Khi mở mắt dậy thấy trời đã sáng và thấy... Bác đang ngồi sưởi bên đống củi. Hai người vội chạy ra chào và hỏi sao Bác dậy sớm thế. Bác cười và nói vui: “Cả đêm, các chú người thì “xay lúa”, người thì “giã gạo” ầm ầm. Bác phải thức chụm lửa sưởi”.
Sau này, hai ông được anh em cảnh vệ cho biết thêm: “Chúng em đi tuần qua nhà, nghe tiếng các anh ngáy và nghiến răng to quá, nhìn vào thấy Bác đang lúi húi chụm lửa, gạt than sưởi ấm. Biết Bác không ngủ được, chúng em vào khẽ nói “Bác để chúng cháu mời các anh sang nhà bên để Bác nghỉ cho yên ắng” nhưng Bác không đồng ý. Bác nói: “Các chú ấy tuổi còn đang trẻ, bận rộn cả năm, ít khi được ăn no, ngủ kỹ, chuyển chỗ có thể mất giấc ngủ ngon. Còn Bác tuổi già thức đêm quen rồi”.
9 năm sau, ngày 23/01/1957, Thứ trưởng Trần Công Tường được Quốc hội khóa I Kỳ họp thứ 6 bầu là thành viên trong Ban sửa đổi Hiến pháp 1946, do Bác làm Trưởng ban. Bác đã giao Thứ trưởng Trần Công Tường viết Lời nói đầu của bản Hiến pháp sửa đổi.
Câu chuyện nhỏ trong những năm kháng chiến gian khổ và ác liệt nhưng cho thấy sự quan tâm, lo lắng, chia sẻ, tấm lòng của Bác trong từng việc làm, từng cử chỉ dù nhỏ đối với mỗi người.
Trong báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi trước Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bản Hiến pháp này sẽ phát huy hơn nữa lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta, sẽ động viên Nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ hơn nữa để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”. Ngày 31/12/1959, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I đã nhất trí thông qua bản Hiến pháp sửa đổi và ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Hiến pháp.
Là bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, trong hoàn cảnh đặc biệt, đất nước bị chia cắt làm hai miền, lời nói đầu của Hiến pháp 1959 đã khẳng định, nêu cao quyết tâm thống nhất đất nước bằng tuyên bố: “Nước Việt Nam ta là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau”, “Nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, giương cao ngọn cờ hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, kiên quyết tiến lên giành lấy thắng lợi cuối cùng. Sự nghiệp hòa bình, thống nhất Tổ quốc nhất định sẽ thành công”.
Ủy ban Pháp chế giúp Chính phủ quản lý thống nhất công tác pháp chế
Ngày 11/2/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 01-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, ngày 14/7/1960, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II đã thông qua Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ. Theo Luật này, trong cơ cấu của Hội đồng Chính phủ không có Bộ Tư pháp. Các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về quản lý tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra (Tư pháp công an), truy tố (Viện Công tố) và xét xử (Tòa án), thi hành án được chuyển giao cho Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, TAND tối cao và một phần cho chính quyền địa phương.
Có thể nói, từ năm 1960 đến năm 1972 là một giai đoạn đặc biệt khi không có cơ quan nào giúp Chính phủ quản lý thống nhất, toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật và công việc về tư pháp trên phạm vi cả nước.
Từ thực tiễn đặt ra yêu cầu phải tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế, xã hội của Nhà nước, hình thành một hệ thống pháp luật đầy đủ, là công cụ của Nhà nước để quản lý nền kinh tế quốc dân cũng như mọi hoạt động của Nhà nước, ngày 14/2/1972, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 133-NQ/QH/K4 thành lập Ủy ban Pháp chế trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Ngày 9/10/1972, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 190-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Pháp chế. Chức năng của Ủy ban Pháp chế về cơ bản giống chức năng của Bộ Tư pháp trong thời kỳ trước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Theo đó, Ủy ban Pháp chế có chức năng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, xây dựng ngành Pháp chế, công tác hành chính tư pháp, đào tạo cán bộ pháp lý, nghiên cứu khoa học pháp lý và tổng kết công tác pháp chế. Đồng thời, hệ thống tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương cũng được hình thành.
Ở miền Nam, năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời. Bộ Tư pháp là một trong các Bộ của Chính phủ lâm thời. Sau khi đất nước thống nhất, Ủy ban Pháp chế đã tiếp nhận bàn giao công việc của Bộ Tư pháp thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, lập và trình Hội đồng Chính phủ công bố Danh mục pháp luật thống nhất áp dụng trong cả nước.
![]() |
Đánh giá về giai đoạn này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng: Trong giai đoạn này, Ủy ban Pháp chế của Chính phủ đã thực hiện thành công và phát huy mạnh mẽ vai trò, sứ mệnh trong việc giúp Chính phủ quản lý thống nhất công tác pháp chế, xây dựng hệ thống tổ chức pháp chế ở các ngành, các cấp. Có thể nói, trong giai đoạn này, công tác pháp chế đã được triển khai một cách toàn diện, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, ý thức hoạt động của toàn ngành được nâng cao; công tác xây dựng, thi hành pháp luật được kế hoạch hóa, đi vào nền nếp; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng; công tác luật sư được chấn chỉnh và tăng cường; bước đầu xây dựng công tác công chứng và công tác giám định tư pháp.
(Còn nữa)