Những yếu kém, hạn chế của công tác quản lý khám chữa bệnh (KCB) thời gian qua, đặc biệt là sau một loạt “sự cố” xảy ra tại một số cơ sở, đơn vị của ngành đã khiến Bộ Y tế phải nhìn nhận và chỉnh đốn lại mình.
“Sự cố” vì lơ pháp luật?
Thời gian qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2013, bên cạnh những chuyển biến quan trọng, lãnh đạo ngành Y tế cũng phải thừa nhận, hạn chế trong ngành vẫn còn rất nhiều. Tình trạng quá tải bệnh viện (BV) tại các BV TƯ và các thành phố lớn vẫn còn cao, đặc biệt diễn ra ở các chuyên khoa tim mạch, sản nhi, ung bướu…; nhân lực y tế vừa thiếu vừa yếu; sự phối hợp giữa các cơ sở y tế tuyến huyện ở một số địa phương bộc lộ nhiều khiếm khuyết…
Những bản xét nghiệm được làm theo kiểu |
Nổi cộm lên một số sự việc xảy ra gần đây như vụ “ăn bớt” vắc xin của trẻ em tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội; hộ lý đánh rơi trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản Hà Nội; 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong sau khi tiêm phòng vắc xin viêm gan B; “nhân bản” xét nghiệm tại BVĐK Hoài Đức, Hà Nội…
Hạn chế và thiếu sót này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, là do cán bộ y tế các cấp không thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật; xử lý chưa nghiêm các sai phạm; công tác thanh, kiểm tra hoạt động chưa thường xuyên, không làm đến nơi đến chốn; xử lý chưa nghiêm nên các phòng khám có yếu tố nước ngoài vi phạm rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực quảng cáo…
Theo bà Kim Tiến, vụ vắc xin Quảng Trị, quy trình, quy chuẩn sử dụng và tiêm chủng đã có, vì thế sai phạm quá rõ ràng; chuyện “ăn bớt” vắc xin ở Trung tâm Y tế Hà Nội; rồi “nhân bản” xét nghiệm ở BVĐK Hoài Đức… là vi phạm nghiêm trọng cả về y đức lẫn quy định.
Muốn chấn chỉnh, hạn chế thấp nhất các tiêu cực, bà Kim Tiến cho hay trước hết phải phân định rõ ràng, trách nhiệm nào của Sở Y tế, Bộ Y tế, UBND các địa phương, rà soát lại các quy trình, chất lượng KCB; BHYT sẽ đổi mới phương thức chi trả để tránh lạm dụng thuốc, xét nghiệm… Bộ Y tế cũng sẽ đề nghị giám đốc Sở Y tế chỉ đạo giám đốc BV, cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy trình tiêm chủng, xét nghiệm; đơn vị, cá nhân nào không thực hiện đúng quy định phải bị xử lý.
Bệnh viện tỉnh cũng là bệnh viện đặc biệt
Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế, TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ vừa ban hành Thông tư Hướng dẫn sử dụng thuốc và điều trị, trong đó đề cập đến vai trò của Hội đồng hướng dẫn sử dụng thuốc. Ngoài ra, Đề án BV vệ tinh - giải pháp chính giảm tải BV tuyến TƯ (50 BV vệ tinh 5 chuyên khoa đã được hình thành và đi vào sử dụng) sắp được triển khai; mô hình bác sỹ gia đình sẽ góp phần nâng cao hơn chất lượng công tác KCB.
Cũng theo TS. Lương Ngọc Khuê, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn 63 tỉnh, thành sử dụng hệ thống thử nghiệm, phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ cấp hết chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động cho khối hành nghề y dược tư nhân…
Để thực sự nâng cao hiệu quả của hoạt động KCB, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, phải thay đổi cả hệ thống KCB. Không chỉ các BV TƯ, trạm y tế cũng phải có chuẩn mới cho phù hợp; đồng thời phải tăng cường truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các chính sách để nâng cao ý thức người dân.
Theo bà Kim Tiến, Bộ Y tế đang xây dựng và xin ý kiến đóng góp cho Dự thảo Quy hoạch ngành Y tế Việt Nam để chuẩn bị cho “chân dung, dáng vóc” ngành Y tế Việt Nam sau năm 2016. Theo đó, BV tỉnh cũng có thể thành BV đặc biệt, tùy theo năng lực. Đồng thời tiến hành xây dựng Thông tư quy định giá dịch vụ y tế, theo tinh thần tính đúng, tính đủ ….
Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định, toàn bộ hệ thống điều trị sẽ phải thay đổi. Cụ thể, sẽ xây dựng hệ thống các BV vùng, khu vực theo năng lực của BV, việc phân tuyến kỹ thuật của các BV này cũng cách làm này, nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế.
Tiêu chuẩn BV vùng cũng sẽ được xây dựng, sẽ có một đơn vị đứng ra phân định và xét tiêu chuẩn BV vùng… Ngoài ra, tiêu chuẩn bổ nhiệm giám đốc BV cũng sẽ khác rất nhiều so với trước.
Trà Long