Ngập lụt, sạt lở nhiều nơi do mưa lũ miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… lượng mưa phổ biến từ 170 đến 200 mm, có nơi trên 300mm khiến nhiều địa phương ngập lụt, sạt lở nặng.
Mua to và lốc xoáy gây ngập lụt, sạt lở tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam
Mua to và lốc xoáy gây ngập lụt, sạt lở tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam

Tại tỉnh Quảng Nam, từ tối 16 đến chiều 17/10, mưa to phổ biến từ 100mm- 250mm, có nơi trên 300mm. Mực nước trên sông Vu Gia đang lên nhanh khiến đường sá ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nặng, một số tuyến đường tại phố cổ Hội An cũng ngập nặng.

Ghi nhận ở huyện vùng cao Nam Trà My, đường ĐH5, từ đi xã Trà Vân và Trà Vinh bị sạt lở nặng, chưa lưu thông được. Chính quyền địa phương đã tiến hành di dời khẩn cấp 147 hộ ở vùng nguy cơ sạt lở đến vị trí an toàn.

Sạt lở đường tại các huyện miền núi Quảng Nam

Sạt lở đường tại các huyện miền núi Quảng Nam

Còn huyện Phước Sơn, địa phương này đang gặp nhiều khó khăn khi vừa chống dịch COVID-19 vừa triển khai phòng chống thiên tai. Từ ngày 12/10 đến nay, Phương Sơn ghi nhận gần 150 ca mắc. Tại xã vùng sạt lở Phước Lộc đã phát hiện 24 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 8 cán bộ xã.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết đã kích hoạt phương án phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh: “Phát huy tinh thần 4 tại chỗ với sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương đang triển khai thực hiện các công việc theo phương án phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện nay tuyến đường DH 1 qua xã Phước Kim có sạt lở. Trên xã Phước Thành, nước lũ đổ về làm trôi một số cầu tạm của dân”.

Giao thông chia cắt.

Giao thông chia cắt.

Tương tự, ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thông tin, mưa lớn kéo dài từ chiều tối 16/10 khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện sạt lở nặng. Đặc biệt, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã A Vương, nước lũ tràn qua đường gây ngập nặng, khiến giao thông bị ách tắc cục bộ. Từ sáng đến chiều tối 17/10, các phương tiện di chuyển từ TP Đà Nẵng, huyện Đông Giang lên Tây Giang không thể lưu thông.

Theo Chi Cục QLĐB III.1 (Cục QLĐB III), tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Nam hiện xuất hiện nhiều vị trí, điểm sạt lở, ngập lụt nặng khiến giao thông trên tuyến bị tê liệt. Các đơn vị quản lý, duy tu bảo dưỡng đang khẩn trương dọn dẹp, di chuyển đất đá, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, khơi thông tuyến đường, nối mạch giao thông.

Đáng nói, tại Quảng Nam, hiện 4 thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đang vận hành điều xả nước qua tràn để hạ mực nước trong lòng hồ về mực thấp nhất. Khi đó các hồ thủy điện sẽ có dung tích để đón lũ về cắt giảm lũ cho hạ du. Hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia đang lên nhanh. Dự báo lũ trong 24 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia tiếp tục lên đạt đỉnh ở mức báo động báo động III sau đó xuống chậm. Trong 6-12 giờ tới lũ trên sông Thu Bồn có khả năng lên ở mức xấp xỉ báo động II. IV.

Chiều 17/10, tỉnh Quảng Nam đã phát đi cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét các sông suối miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc, các xã thuộc huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn; Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc, các xã thuộc huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn, một số xã vùng núi huyện Đại Lộc và Núi Thành. Nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ tại các đô thị và ngập lụt tại các vùng trũng thấp ở hạ lưu các sông như huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ.

Ngập lụt ở phố cổ Hội An

Ngập lụt ở phố cổ Hội An

Tại tỉnh Quảng Ngãi, lúc 1h sáng nay, 17/10, tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra lốc xoáy, với sức gió mạnh, bán kính rộng quét qua 4 xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh và Bình Nguyên. Thời điểm xảy ra lốc xoáy lúc rạng sáng, người dân trở tay không kịp. Thống kê sơ bộ, khoảng 100 nhà dân 4 xã có nhà bị thiệt hại sập, đổ tốc mái, nhiều người bị thương. Gió mạnh kèm mưa to khiến công tác khắc phục nhà cửa của bà con gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang huy động các lực lượng dân quân, xung kích, biên phòng… hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở.

Lốc xoáy làm hư hại nhiều nhà dân ở tỉnh Quảng Ngãi

Lốc xoáy làm hư hại nhiều nhà dân ở tỉnh Quảng Ngãi

TP Đà Nẵng cũng đang xảy ra đợt mưa lớn diện rộng. Hiện các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia đang vận hành điều tiết lũ về hạ du với tổng lưu lượng hơn 5.000m3/s. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối và ngập lụt khu vực ven sông, các vùng trũng thấp. Chiều 17/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng ban hành công điện triển khai ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Theo đó, UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Sơn)… sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân bảo đảm phòng, chống COVID-19. Tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý; nghiêm cấm người dân và phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp, ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.