Hội nghị nhằm mục đích đánh giá, đưa ra các giải pháp để tiếp tục duy trì thế mạnh, lợi thế của vùng, trọng tâm là tôm nước lợ nhằm bảo đảm sản lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu thủy sản của cả nước. Được biết, lượng nước từ thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu chảy về ít, xâm nhập mặn đã tác động đến nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh của vùng. Cụ thể, độ mặn dao động từ 15 – 30 phần ngàn; tại các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang đã vượt 30 phần ngàn. Một số địa phương xâm nhập mặn lấn sâu tới 70km. Đặc biêt, có những vùng ngọt hóa của Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu đã bị xâm nhập mặn lên đến 8%.
Chính vì vậy, hầu hết các địa phương có diện tích thả giống ít hơn so với cùng kỳ, chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch. Nguyên nhân là do xâm nhập mặn, người dân không dám thả nuôi theo lịch thời vụ. Ngoài ra còn do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm dẫn đến dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu thụt, mực nước thấp nhất trong 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã đến sớm hơn cùng kỳ gần 2 tháng. Hiện tượng này chưa từng xảy ra trong lịch sử. Các khu vực sông Vàm Cỏ Đông; các cửa sông thuộc sông Tiền, sông Hậu và khu vực ven biển Tây đều cao hơn so với cùng kỳ lớn nhất trong lịch sử quan trắc từ 1,1 – 13,6 phần ngàn.
Tổng cục Thủy lợi dự báo, tình hình xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6, muộn hơn cùng kỳ khoảng gần 2 tháng. Đặc biệt, từ tháng 3 trở đi, các vùng cách biển 30 – 45km gần như không có nước ngọt...
Phát biểu tại hội nghị, ngoài việc khẳng định vai trò quan trọng của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL là hết sức quan trọng và cho rằng sản phẩm thủy sản vùng ĐBSCL chiếm 80% sản lượng trong cả nước, Thứ trưởng Vũ Văn Tám còn nhấn mạnh: “Tôm nước lợ là thế mạnh của vùng, nhưng thực trạng nắng nóng gay gắt kéo dài từ trước tới nay đã tác động không nhỏ đến việc nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL nên việc tìm giải pháp nuôi trồng thủy sản nói chung, trong đó có tôm nước lợ, là hết sức cần thiết.