Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024; đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 26,5 ngày.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội (QH) sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật; 3 dự thảo nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật; xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát... Ngoài công tác lập pháp, QH sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn (thời gian 2,5 ngày), đồng thời xem xét và quyết định vấn đề quan trọng khác (nếu có).
Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tập trung vào một số nội dung: Phục hồi phát triển kinh tế xã hội; Lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học và công nghệ; Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Công tác đối ngoại; Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; Lĩnh vực nội vụ; Lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; Về an toàn thực phẩm; Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Còn từ thực tiễn tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7 của các đại biểu QH cho thấy cử tri đã gửi gắm nhiều nội dung trọng tâm. Cụ thể, kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Luật Bảo hiểm y tế các trường hợp thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến tỉnh lên tuyến trên thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; mong muốn Chính phủ có các biện pháp linh hoạt, hiệu quả hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường vàng, giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động…
Cử tri Nhữ Đình An (Hà Nội) đề nghị Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn bảng lương theo vị trí việc làm áp dụng từ 1/7/2024, để người lao động trong khối hành chính sự nghiệp nhà nước được biết và yên tâm công tác. Đặc biệt, cử tri phản ánh việc điều chỉnh tăng lương chưa kết hợp chặt chẽ với việc kiểm soát giá cả thị trường dẫn đến tình trạng khi chính sách tiền lương vừa được thông qua và chưa có hiệu lực thi hành thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường... để việc tăng lương bảo đảm mục đích, ý nghĩa nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Qua theo dõi thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi - một dự luật nhận được sự thu hút của đông đảo người dân và cử tri cả nước, cử tri Nguyễn Thị Minh Hải (Gia Lai) thấu hiểu với những vấn đề phức tạp trong quá trình sửa đổi Luật này, đặc biệt là việc hưởng BHXH một lần. Bà được biết, tình trạng số người rút BHXH một lần liên tục tăng. Các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy ý kiến về các đối tượng chịu tác động, trong đó có hưởng BHXH một lần nhưng theo bà, vấn đề này đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của BHXH Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH cho người lao động, nhất là trong bối cảnh dự thảo sửa đổi Luật BHXH có những quy định theo hướng chặt chẽ hơn để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần.
Cũng chia sẻ nhiều ý kiến của cử tri khi trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp, Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu (ĐB) QH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đánh giá cao công tác chuẩn bị khi Chính phủ, các cơ quan có liên quan và các cơ quan của Quốc hội đã rất tích cực, chủ động để gửi tài liệu, nội dung cho ý kiến tại Kỳ họp để các ĐBQH sớm tiếp cận, đảm bảo thời gian nghiên cứu trước khi thảo luận; Ủy ban Thường vụ QH cũng thường xuyên đôn đốc Chính phủ, các Bộ, ngành khẩn trương gửi các báo cáo, hồ sơ, tài liệu để ĐBQH có thời gian nghiên cứu góp ý vào dự thảo các dự án luật và nghị quyết. Đến nay, có thể thấy, công tác chuẩn bị Kỳ họp trên tất cả các phương diện đã hoàn tất, sẵn sàng cho Kỳ họp thứ 7, QH khóa XV.
Với khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng của Kỳ họp, ĐB Lê Thị Thanh Lam mong rằng các vị ĐBQH sẽ chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung, đưa ra các vấn đề thảo luận, xem xét thực sự khách quan, toàn diện, trọng tâm. Từ đó, đạt được kết quả là những quyết sách, những dự án luật có ý nghĩa đòn bẩy, động lực nhằm thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước trong thời gian tới.