Ông Vũ Kỳ (1921 – 2005) - thư kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội…- sách đã dẫn) nhớ lại: “Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, thoáng thấy mầu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng lên như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỉ nguyên mới cho dân tộc: Kỉ nguyên Độc lập, Tự do. Thật là kì diệu. Cách mạng là một sự kì diệu. Và chính Người, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, đã cùng với toàn dân làm nên điều kì diệu đó”.
Hà Nội tưng bừng màu đỏ, bát ngát cờ, đèn và hoa. Biểu ngữ bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga chăng khắp các đường phố: "Nước Việt Nam của người Việt Nam!", "Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp!", "Độc lập hay là chết!", "Ủng hộ Chính phủ lâm thời!", "Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!", "Hoan nghênh phái bộ Đồng Minh!"…
Các nhà máy, các cửa hiệu buôn to, nhỏ đều nghỉ việc. Chợ búa không họp. Mọi hoạt động buôn bán, sản xuất của thành phố tạm ngừng, đồng bào Thủ đô già, trẻ, gái, trai đều xuống đường. Mọi người đều thấy mình cần phải có mặt trong ngày hội lớn đầu tiên của đất nước. Những dòng người từ khắp các ngả hướng về vườn hoa Ba Đình.
Hàng chục vạn nông dân từ ngoại thành kéo vào. Những chiến sĩ dân quân mang theo côn, kiếm, mã tấu. Có những người vác theo cả những quả chuỳ đồng, những thanh long đao rút ra từ những giá vũ khí bày trang trí trong các điện thờ. Trong hàng ngũ của các chị em phụ nữ nông thôn với những bộ quần áo ngày hội, có những người vấn khăn vàng, mặc áo tứ thân, thắt lưng hoa lí.
Những cụ già vẻ mặt nghiêm trang. Những cô gái Thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ. Rộn ràng là các em thiếu nhi. Theo nhịp còi của các anh, các chị phụ trách, các em khua rền trống ếch, giậm chân bước đều, hát vang những bài ca cách mạng.
Tổng Bí thư Trường Chinh, người tham gia cuộc mít tinh tuyên bố Độc lập chào mừng Chính phủ lâm thời, đã kể lại giờ phút lịch sử của ngày 2 tháng 9 năm 1945: “Quảng trường Ba Đình khoác bộ áo mới. Nắng mùa thu tỏa sáng bầu trời, cây cối, phố phường. Cả Hà Nội là một rừng cờ sao, hoa. Một cuộc mít tinh khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử Thủ đô. Gần 1 triệu đồng bào đủ các tầng lớp, đủ các lứa tuổi, đủ các giới từ các ngả đổ về vườn hoa Ba Đình dự ngày hội lớn của dân tộc. Hơn 20 triệu đồng bào toàn quốc hân hoan hướng về ngày lễ. Bầu bạn thế giới gần xa vui mừng chờ đón. Chế độ mới đã khai sinh, cuộc đời đã đổi thay, kỉ nguyên mới của dân tộc đã mở ra, tương lai của dân tộc, của mỗi người Việt Nam đã nắm chắc trong tay.”
Nhà báo Hồng Hà (1928 – 2011) - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân… - sách đã dẫn) phóng viên báo Cứu quốc khi đó, đã có bài tường thuật về cuộc lễ mít tinh này (tư liệu từ báo Cứu quốc, số 36, ra ngày 5-9-1945 - sách đã dẫn): Mới từ 12 giờ trưa, những nẻo đường dẫn vào vườn hoa Ba Đình, nơi được chọn để cử hành lễ "Ngày Độc lập ", đã thấy cuồn cuộn những dòng người chảy đến. Đủ mặt các giới, các đoàn thể. Các anh em công nhân, các nhân viên sở công sở tư, các bô lão trong thành phố, các chị em phụ nữ, các anh em thanh niên, các trẻ em nhi đồng... Điều khiến người ta chú ý thêm nữa là trong buổi lễ này lại có sự xuất hiện của cả những người từ trước tới nay vẫn luôn vắng mặt trong các cuộc tụ tập chính trị: các nhà tu hành.
Tất cả, hôm đó, đều không giữ sự phân biệt của mọi ngày thường về đẳng cấp, về tín ngưỡng, về nam nữ, về thế hệ... Đến đây, ai cũng chỉ còn là một người dân Việt Nam giữa những người dân Việt Nam khác đi đón nhận lời tuyên bố chính thức về cuộc độc lập của nước nhà.
Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 - ảnh tư liệu Kiều Mai Sơn |
Giữa vườn hoa Ba Đình đã dựng sẵn một lễ đài cao, căng vải đỏ và trắng, giữa là một cột cờ sơn trắng vươn lên cao chót vót. Máy truyền thanh đặt ở trên lễ đài. Các đoàn thể tới dự lễ, theo trật tự đã định sẵn do Ban Tổ chức sắp xếp, đứng bao quanh lễ đài. Gần với lễ đài nhất là đoàn thể các bô lão thành phố Hà Nội, đoàn thể Phật giáo, đoàn thể Công giáo và đoàn thể phụ nữ. Một đơn vị bộ đội, ăn vận chỉnh tề, súng lưỡi lê sáng loáng, đứng dàn hàng ở phía sau kì đài.
14 giờ. Các nhân viên của Chính phủ tới để khai mạc cuộc lễ. Một đội tự vệ súng lục cầm tay đứng chen khít nhau thành một hàng rào tròn quanh kì đài. Lính bồng súng đứng dàn ra cho đến đầu con đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ - Hà Nội). Mọi người im lặng hồi hộp đợi cho đến lúc đội quân nhạc cử bài kèn chào.
Đoàn xe hơi của Chính phủ, có đội cảnh sát đi trước dẫn đầu, từ từ đỗ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp cùng ngồi trong xe ô tô tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Bắc Bộ phủ đến vườn hoa Ba Đình. Các nhân viên trong Chính phủ bước lên kì đài.Tất cả sự chú ý của đám đông đều dồn cả vào vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời lần đầu tiên ra mắt quốc dân để tuyên bố chính thức về sự thành lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo mô tả trong bài tường thuật của nhà báo Hồng Hà vào thời khắc ấy, trên lễ đài: Một ông già dáng gầy yếu nhưng thần thái uy nghi vẫn lộ ra trong bộ điệu ung dung, trong vầng trán cao mênh mông và đôi mắt sáng ngời. Ông vận một bộ quần áo vải vàng đã bạc màu, đã nhàu cũ, có lẽ vẫn là y phục của ông mang theo về từ những ngày lận đận bôn ba ở hải ngoại. Hình ảnh của ông đúng vẹn như cái hình ảnh mà mọi người trong nước vẫn vẽ trong trí tưởng tượng về nhà chí sĩ đầu tóc hoa râm đã bao năm rong ruổi phương xa, mưu tính sự Tự do, Độc lập cho Tổ quốc.
Buổi lễ bắt đầu. Lá cờ màu đỏ sao vàng được từ từ kéo lên kì đài. Cùng lúc đội quân nhạc cử bài Tiến quân ca. Trên kì đài, các nhân viên Chính phủ đầu trần đứng lên giơ nắm tay chào. Bên dưới, một rừng cánh tay cũng giơ lên. Một sự im lặng trang nghiêm.
Ông Nguyễn Hữu Đang – Thứ trưởng Bộ Thanh niên, đại biểu Ban Tổ chức “Ngày Độc lập”, bước ra đứng trước máy truyền thanh đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Nguyễn Hữu Đang giới thiệu xong, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đứng lên đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn lúc đầu nhắc đến cái quyền sống của tất cả mọi dân tộc, cái quyền được hưởng tự do và mưu cầu hạnh phúc cho mình. Nước Việt Nam ngày nay, căn cứ vào lợi quyền ấy, lật đổ chế độ cũ, chế độ thuộc địa áp bức dã man của người Pháp và chế độ quân chủ phong kiến thoái hóa, dựng thành một nước Việt Nam Độc lập, một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày hôm nay, Chính phủ lâm thời do Quốc dân Đại hội bầu lên trịnh trọng tuyên bố cho cả thế giới và quốc dân rằng nền độc lập và dân chủ của nước Việt Nam đã thành lập.
Trên đây là đoạn trích trong cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn vừa được NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc cả nước nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2/9/1945-2/9/2021.
Cuốn sách dựng lại thời điểm lịch sử ngắn nhưng rất quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám 1945, thời điểm Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Đọc “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, bạn đọc ngày nay có được một bức tranh sống động và cụ thể về Ngày Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình 76 năm về trước bởi tác giả Kiều Mai Sơn đã dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại và đối chiếu các nguồn tài liệu để có thể có được những tư liệu chi tiết, cụ thể, xác tín về bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và hoàn thiện. Đó là tư liệu của những người được sống, làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại hay kể lại như hồi kí Vũ Đình Hòe, hồi kí Trần Huy Liệu, hồi kí Võ Nguyên Giáp, hồi kí Lê Thanh Nghị…
Với “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, tác giả đã đặt văn bản Tuyên ngôn Độc lập vào trong tư duy nhất quán của Bác Hồ trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước. Đó là quá trình thống nhất và bền bỉ từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919) gồm 8 điểm và Bản án chế độ thực dân Pháp (1925). Tuyên ngôn Độc lập sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc gia đồng bào đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp… để công bố với toàn thế giới về việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.