Thiếu nước, hạn hán khắp nơi
Thời gian qua, lưu lượng nước của dòng Mekong theo 2 chỉ lưu (sông Tiền, sông Hậu) đổ vào miền Tây suy kiệt tới mức kỷ lục. So với cùng thời điểm 2015-2016, nước mặn nhiều chỗ vào sâu hơn, thậm chí sâu đến gần 70km như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Quy luật 4 năm lũ lớn về miền Tây một lần đã đổi chiều thành 4 năm 2 đại hạn lặp lại.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong đại hạn với những cánh đồng nứt nẻ, những dòng kênh trơ đáy và chính quyền các địa phương đang tất bật tìm mọi cách cung ứng nước ngọt cho 332.000ha lúa, khoảng 136.000ha cây ăn trái, 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trong vùng bị xâm nhập mặn…
Tây Nguyên - vùng sản xuất nông nghiệp lớn thứ 2 của cả nước sau ĐBSCL cũng đang khô khát. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 25-80%, một số sông thiếu hụt trên 90%.
Hệ thống đê bao khép kín dày công xây đắp để tăng vụ canh tác lúa vụ 3, tại Tứ giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười không đáp ứng được yêu cầu thủy lợi khi lũ không về. Giữa mùa mưa (tháng 8/2019) lưu lượng nước trên sông Tiền, sông Hậu suy giảm tới mức không đủ cung ứng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại vùng Tứ Giác Long Xuyên - một trong những vùng trũng từng là “túi nước” đầu nguồn.
PGS. Gerado van Halsema (chuyên gia Hà Lan) khẳng định tại một hội thảo khoa học tham vấn giải pháp về nguồn nước ở miền Tây: “Việc xây dựng hệ thống đê bao để cải tạo đất trồng lúa 3 vụ tại tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thời gian qua đã làm giảm khả năng tích trữ mất khoảng trên 16 tỷ khối nước trong mùa lũ để cung ứng cho toàn vùng - đặc biệt là hạ nguồn ĐBSCL trong mùa kiệt”.
Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là do nguồn nước mặt khan hiếm và suy giảm vì hạn hán và mặn xâm nhập, dẫn đến việc người dân khoan giếng khai thác nước ngầm một cách tràn lan, làm cho mực nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng, chất lượng nước có nơi không bảo đảm cho các sinh hoạt vì nhiễm thạch tín, phèn.
Theo TS. Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ĐBSCL: “Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”: dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn, mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất”.
Người dân miền Tây trữ nước ngọt chống hạn trong các túi nước |
Giảm thiệt hại đáng kể
Hạn mặn năm 2015 - 2016, Việt Nam mất 1 triệu tấn lúa và 500.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt... Tác động của ĐBSCL với toàn quốc là rất lớn, dẫn tới năm đó, ngành Nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm.
Hạn mặn năm 2020 diễn ra gay gắt hơn năm 2016 nhưng đã được ngành Khí tượng Thủy văn cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô 2019 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng với các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng.
Do đó, dù hạn mặn diễn ra khốc liệt nhưng nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nên thiệt hại đối với diện tích lúa không nhiều. Toàn vùng ĐBSCL chỉ khoảng 39.000ha bị thiệt hại do thiếu nước ngọt, chưa đến 10% so với thiệt hại mùa khô năm 2016. Theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này, nông dân vùng ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 1 triệu ha trong tổng số trên 1,5 triệu ha lúa đông xuân đã gieo sạ, năng suất bình quân 7 tấn/ha.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, bài học kinh nghiệm lớn đối với vụ đông xuân ở ĐBSCL trong điều kiện hạn mặn gay gắt là đẩy thời vụ sớm. Nhờ chủ động sớm, năm nay hết tháng 1, toàn vùng đã thu hoạch được khoảng trên 300.000ha lúa ven biển ĐBSCL. Đến hết tháng 2 toàn vùng thu hoạch trên 1 triệu ha và hiện nay chỉ còn gần 300.000 ha/1,54 triệu ha gieo trồng.
“Có những nơi ở ven biển lịch thời vụ được đẩy sớm hơn 1 tháng. Mọi năm khi hạn mặn đến lúa mới đứng cái làm đòng, là thời điểm cây lúa nhạy cảm nhất với môi trường dễ bị ảnh hưởng năng suất. Còn năm nay chúng tôi đi Long An, Tiền Giang, những nơi mà mọi năm lúa còn chớm trỗ thì nay đã thu rồi, rất ăn chắc”, Thứ trưởng cho biết.
Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 (22/3) là “Nước và Biến đổi khí hậu” nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết tăng cường an ninh nguồn nước và thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững trước những thay đổi của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.