[links()] Hàng ngàn người yêu thơ bất chấp tiết trời mưa phùn và lạnh giá rủ nhau tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám ( Hà Nội) đón chào lễ khai mạc Ngày Thơ 2012 vào sáng ngày 5/2 (14 tháng giêng) đã khiến cho Ngày Thơ thêm rộn ràng, ấm áp. Tròn 10 tuổi, Ngày Thơ năm nay được tổ chức quy mô hơn bằng việc kết nối với sự kiện Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương với 81 nhà thơ ở 27 quốc gia, biến Ngày Thơ thành một Fetival Thơ thực thụ.
|
Thả thơ lên bầu trời |
“Xôm” hơn vì có nhà thơ Tây
Các năm trước, Ngày Thơ vấp phải “hạt sạn” do khâu tổ chức như: Thơ trên gốm sứ bị in sai, tôn vinh những câu thơ chưa xứng đáng, màn rước đất và nước đầy ý nghĩa, được coi là điểm nhấn nhưng dường như vẫn chưa thể hiện hết được sự trang nghiêm khi Ban tổ chức bố trí lối đi vào hơi hẹp, khiến phóng viên và rất nhiều người chen lấn theo cùng đoàn rước, không làm nổi bật được không khí trang trọng của sự kiện, hình thức tổ chức còn quá cũ, chưa toát lên chất sáng tạo của lĩnh vực thi ca, chưa có nhiều tương tác giữa độc giả - tác phẩm - tác giả...
Nằm trong nỗ lực đổi mới, tìm những chủ đề thích hợp để Ngày thơ sinh động, hấp dẫn sau 9 lần tổ chức, theo Ban tổ chức Ngày Thơ 2012 quyết sẽ không có chuyện “lịch sử sạn” lặp lại.
Quả có vậy, lễ khai mạc Ngày Thơ 2012 đã “xôm” hơn khi có sự tham gia của rất nhiều người yêu thơ từ Ta tới Tây. Trong 81 vị khách đến Việt Nam lần này đa số là những cây bút tiêu biểu cho các nền văn học: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào..., đáng chú ý nhất là nhà thơ Hàn Quốc Ko Un - từng được đề cử giải Nobel văn học và đã sang thăm nước ta năm 2011, nhân dịp tập thơ của ông ra mắt bạn đọc Việt Nam.
Trước lòng nhiệt thành của những nhà thơ quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hoan hỉ: “Đây là nơi mà mọi người được mời đến để cùng nhau chia sẻ với nhau vẻ đẹp của thiên nhiên và con người châu Á nói chung được bộc lộ và lan tỏa qua thi ca. Và thông điệp mà Ngày Thơ muốn gửi đến bạn bè quốc tế đó là: Một dân tộc dù hãy còn bộn bề khó khăn, nhưng vẫn luôn không ngừng nuôi dưỡng trong mình một giấc mơ đẹp và chưa bao giờ lụi tắt”.
Điểm mới của Ngày Thơ năm nay là có hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và sân thơ quốc tế thay vì 3 sân thơ (thơ thiếu nhi, thơ truyền thống và thơ trẻ) như mọi năm. Ngoài ra còn có Dạ hội Thơ - đêm của lễ hội ánh sáng, âm nhạc và thi ca tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài tấm áp phích lớn in thông tin chung, 19 áp phích khác bày quanh Thiên Quang giới thiệu 19 cặp thi sĩ với tiểu sử và trích bài thơ nổi bật. Đó là những Thế Lữ với Tiếng sáo Thiên Thai, là Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, cùng áng thơ xuất sắc của Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh...
Quá tải công chúng - thành công của Ngày Thơ 2012
Tại Ngày Thơ 2012, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam có các buổi đọc thơ giao lưu với công chúng yêu thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và một số trường đại học. Hơn 70 đại biểu quốc tế lần lượt được trình diễn những vần thơ xuất sắc, qua bản dịch của những dịch giả - nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, Hữu Việt, Thúy Toàn... Sân thơ Quốc tế cũng có chút ưu ái cho các tác giả có thơ viết về Việt Nam. Đó là nhà thơ, nhà giáo Mary Croy - người Mỹ hiện sinh sống ở Việt Nam. Các gương mặt thơ Việt Nam: Trần Tuấn, Đỗ Doãn Phương, Vi Thùy Linh... cũng xuất hiện ở buổi đọc thơ cùng bạn bè bốn phương.
Công chúng đến với Ngày Thơ 2012 có thể gặp ở đây nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần khác nhau nhưng ở họ đều có chung tình yêu dành cho thơ. Họ chăm chú, say sưa bên những tờ lịch thơ treo dọc lối vào lễ hội, hăng hái tham gia các hoạt động trong ngày thơ hay cảnh các bạn trẻ hý hoáy chép vào sổ tay những vần thơ hay được gắn kèm chân dung tác giả. Trong thời buổi kinh tế thị trường, sự quan tâm đối với thơ ca có phần giảm sút, việc tổ chức Ngày Thơ một cách trang trọng còn góp phần khẳng định giá trị tinh thần cao quý của thơ ca, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.
Chỉ tổ chức Ngày Thơ vỏn vẹn trong 1 ngày, nên dòng người “đổ bộ” về Quốc Tử Giám đông nghẹt, khiến cho các sân thơ trở nên quá tải. Ngoài ra, có không ít người yêu thơ vì bận việc đã lỗi hẹn ngày hội, ngậm ngùi tiếc rẻ: “Giá như ngày thơ được tổ chức dài hơn thì hay biết mấy!”.
Bảo Châu