'Ngày tồi tệ với châu Âu' - Anh chọn rời bỏ EU

Đa số cử tri Anh đã bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu. Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là "một ngày tồi tệ với châu Âu".
Lãnh tụ UKIP Farage tuyên bố phe Brexit chiến thắng.

Hàng loạt các cơ quan truyền thông ở Anh mới tuyên bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh có rời khỏi Liên minh châu Âu EU hay không. Theo đó, kết quả kiểm phiếu cuối cùng: Số phiếu chọn ở lại EU: 16.141.241 (48%), Số phiếu quyết định rời khỏi EU: 17.410.742 (52%)

Người dân ở London và Scotland đều nghiêng về "ở lại" EU nhưng lợi thế này đã mất đi do tỷ lệ ủng hộ thấp ở khu vực phía bắc Anh.

VnExpress trích dẫn các nguồn tin cho biết, Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel hôm nay mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là "một ngày tồi tệ với châu Âu". Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb gọi đây là "cơn ác mộng" mà khi tỉnh dậy, các lãnh đạo châu Âu sẽ bị sốc trước kết quả làm rung chuyển liên minh 28 nước.

Geert Wilders, lãnh đạo phe phản đối người nhập cư ở Hà Lan, hôm nay kêu gọi nước này tổ chức trưng cầu dân ý giống Anh. "Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước, đồng tiền, biên giới và chính sách nhập cư của riêng chúng tôi", ông cho biết. Người dân Pháp, Hà Lan và Italy cũng có yêu cầu tương tự.

Đồng bảng Anh hôm nay đã mất giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 do thị trưởng phản ứng với kết quả kiểm phiếu. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản tổ chức họp báo trong bối cảnh đông yên tăng do lo sợ Brexit, tức Anh rời khỏi châu Âu.

Một số báo nước ngoài trước đó dự đoán nếu người dân chọn Brexit, nền chính trị Anh có thể rơi vào hỗn loạn. Thủ tướng Anh David Cameron có nguy cơ đối mặt với sức ép phải từ chức, buộc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử.

Có báo nhận định, người dân Anh chọn rời khỏi EU sẽ khiến Anh đi theo con đường vô định và là bước thụt lùi lớn nhất đối với nỗ lực tăng cường đoàn kết sau Thế Chiến II, theo Reuters.

Còn theo VietNam+, Anh sẽ thu được một số lợi ích trước mắt khi rời khỏi EU: Trước tiên, một đồng euro hiện có giá trị chỉ bằng 3/4 đồng bảng Anh. Nhiều người ủng hộ Brexit cho rằng EU bóp nghẹt sự phát triển kinh tế Anh và họ thường lấy sự chênh lệch tỷ giá làm bằng chứng cho thấy kinh tế Anh mạnh hơn, sẽ phát triển tốt hơn nếu không dính tới EU. Việc rời khỏi EU cũng khiến Anh không phải bỏ đồng bảng và dùng đồng euro vào năm 2020 như quy định.

Thứ hai, chính sách nhập cư sẽ có nhiều thay đổi. Trước kia, người trong khối EU có thể dễ dàng dọn tới sống ở Anh và được hưởng các lợi ích xã hội của Anh, như giáo dục miễn phí, điều mà những người ủng hộ Brexit không thích. Nay với việc Anh rời khỏi EU, chuyện này sẽ không diễn ra nữa và phúc lợi sẽ chỉ dành cho người Anh mà thôi.

Thứ ba là chủ quyền quốc gia. Để trở thành một thành viên EU, mỗi nước phải chấp nhận mất đi chút ít chủ quyền, bởi các quốc gia đều phải tuân theo các thỏa thuận thương mại, luật pháp và sự quản lý chung của EU. Đây là điều mà những người ủng hộ Brexit không thích thú.

Cuối cùng việc không còn là thành viên EU có nghĩa Anh không phải đóng khoản phí thành viên, lên tới 13 tỷ bảng trong năm ngoái. Anh có được nhận lại 4,5 tỷ bảng do EU đầu tư, nhưng nước này vẫn tiêu mất 8,5 tỷ bảng, tức khoảng 12,4 tỷ USD. Đó là một con số không hề nhỏ.