Ngày vui của các giám định viên pháp y

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 9/11/2022, Viện Pháp y quốc gia (PYQG) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng trụ sở Viện tại Khu đất dự án phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Có thể nói đây thực sự là ngày vui với các giám định viên pháp y đang công tác tại Viện PYQG bởi từ đây, cảnh hơn hai chục năm “ăn nhờ ở đậu” hoặc làm việc trong không gian chật hẹp, phân tán đã sắp kết thúc.
Ngày 9/11/2022, Viện Pháp y quốc gia đã tổ chức lễ khởi công xây dựng trụ sở.
Ngày 9/11/2022, Viện Pháp y quốc gia đã tổ chức lễ khởi công xây dựng trụ sở.

Phát biểu tại lễ khởi công, TS. Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết, giám định pháp y là hoạt động không thể thiếu trong một xã hội mà ở đó mọi người sống theo Hiến pháp và làm theo pháp luật, sức khỏe và nhân phẩm con người được pháp luật bảo vệ. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng, giúp đảm bảo quyền lợi người dân, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh trật tự và công bằng xã hội.

Do đó, ngày 17/1/2001, Viện Y học Tư pháp trung ương được thành lập theo Quyết định số 11/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đến ngày 23/3/2006 Viện PQQG được thành lập trên cơ sở Viện Y học Tư pháp trung ương.

Theo TS. Nguyễn Đức Nhự, từ ngày đầu Viện được thành lập, trụ sở của Viện rất khó khăn, giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2005 Viện phải mượn tạm cơ sở của Bộ môn Y pháp, Trường Đại học Y Hà Nội tại địa chỉ 13-15 Lê Thánh Tông, Hà Nội chỉ với diện tích 442 m2.

TS. Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia phát biểu tại lễ khởi công

TS. Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia phát biểu tại lễ khởi công

Đến năm, 2005 Viện chuyển về trụ sở 41, Nguyễn Đình Chiểu nhưng vẫn còn chật hẹp trên diện tích mặt sàn 250 m2 và diện tích sử dụng khoảng 1.500 m2 và nên vẫn phải đặt ở một số khoa chuyên môn tại đơn vị bạn. Do đó, Viện không thể đảm bảo cho số cán bộ làm việc và triển khai đầy đủ các hoạt động giám định, các trang thiết bị hiện đại cũng như khó khăn cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo.

Từ thực tế này, xây dựng trụ sở làm việc của Viện là yêu cầu cần thiết cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, để đáp ứng tốt được nhiệm vụ chuyên môn và chỉ đạo chuyên ngành pháp y trong toàn quốc các lĩnh vực giám định cũng như nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng, phát triển các thành tựu, tiến bộ khoa học, kỹ thuật về pháp y ở trong nước và quốc tế.

Năm 2002, Viện PYQG đã được Văn phòng kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội giới thiệu, thoả thuận, lập bản đồ đo đạc, xác định chỉ giới đường đỏ địa điểm xây dựng trụ sở tại xã Yên Sở huyện Thanh Trì, Hà Nội (nay là phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ngày 21/5/2003 Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt cho phép chuẩn bị đầu tư xây dựng mới trụ sở Viện Y học Tư pháp trung ương, đánh dấu sự ra đời dự án xây dựng trụ sở Viện Y học Tư pháp trung ương mà nay là Viện PYQG.

“Nhưng gần 20 năm trôi qua kể từ khi cho phép chuẩn bị đầu tư, do biến động của tình hình kinh tế - xã hội, do chính sách thay đổi, do kinh phí hạn hẹp nên dự án không thực hiện được. Sau nhiều nỗ lực của các bên, hôm nay lễ khởi công dự án Viện PYQG được chính thức tổ chức. Dự án được khởi công xây dựng không chỉ là mong ước của các thế hệ cán bộ viên chức Viện PYQG mà của chuyên ngành pháp y cả nước. Ước mơ về trụ sở làm việc của Viện đầu ngành đang dần thành hiện thực. Với trụ sở mới đầy đủ các hợp phần cần thiết phục vụ công tác giám định pháp y, Viện PYQG sẽ xứng đáng là cơ sở pháp y đầu ngành của Việt Nam, ngang tầm khu vực và thế giới”, Viện trưởng Viện PYQG nhấn mạnh.

Được biết, dự án xây dựng trụ sở Viện PYQG giai đoạn I sẽ đáp ứng được yêu cầu: bước đầu triển khai các phòng giám định, các labo hiện đại về pháp y, độc chất, ADN, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, khu nhà đại thể khám nghiệm... Đồng thời, nơi đây cũng sẽ là cơ sở thực hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế hàng đầu về pháp y của Việt Nam. Dự kiến giai đoạn II của dự án sẽ là trung tâm đào tạo, ngân hàng gen-mô, khu phòng mổ hiện đại và đầu tư thêm các trang thiết bị giám định...

Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết dự án xây dựng mới Viện PYQG, dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành với các hạng mục để phục vụ cho hoạt động của Viện qua đó nhằm thực hiện kịp thời, đầy đủ mọi yêu cầu của hoạt động tố tụng, dần từng bước hoàn thiện hệ thống giám định pháp y nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

Theo TS. Nguyễn Đức Nhự, đại dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát, nên tổng số mẫu giám định 6 tháng đầu năm 2022 tăng hơn so với cùng kì năm 2021. Kết quả giám định 6 tháng đầu năm là 2.317 vụ giám định/4.565 mẫu. Chất lượng các vụ giám định ngày càng được nâng cao, đa số các vụ giám định khó, phức tạp nhưng đã được tập thể giám định viên cùng các chuyên gia đầu ngành hội chẩn, đưa ra những kết luận kịp thời, khách quan và chính xác.

Các thế hệ lãnh đạo Viện PYQG chụp ảnh lưu niệm (TS Vũ Dương người thứ hai từ trái sang)

Các thế hệ lãnh đạo Viện PYQG chụp ảnh lưu niệm (TS Vũ Dương người thứ hai từ trái sang)

Gặp “cha đẻ” của logo chuyên ngành pháp y Việt Nam

Bên lề của lễ khởi công, phóng viên PLVN đã có dịp gặp TS. Vũ Dương nguyên Viện trưởng Viện PYQG từ năm 2004-2014 và được nghe ông kể lại kỷ niệm về logo của chuyên ngành pháp y Việt Nam mà hiện nay đang được Viện PYQG và các Trung tâm/ tổ chức Giám định pháp y trên toàn quốc sử dụng.

Ông Vũ Dương cho biết, tháng 1/2001, Viện Y học Tư pháp trung ương (tiền thân của Viện PYQG ngày nay) được thành lập nhưng chưa có logo riêng để nhận diện và thời gian sau đó, hưởng ứng lời kêu gọi sáng tạo ý tưởng logo, ông Dương lúc này đang công tác tại tổ chức pháp y tỉnh Kiên Giang đã gửi bản thiết kế logo của mình đi dự thi.

“Nghề pháp y vẫn được gọi là bác sĩ của pháp luật và tôn chỉ làm nghề là phụng sự sự thật, lẽ phải và công lý nên ý tưởng đầu tiên đến với tôi là biểu trưng lớn nhất của logo phải là chiếc khiên bảo vệ. Trên nền chiếc khiên đó sẽ là hình ảnh cách điệu của con dao mổ (màu đỏ) tượng trưng cho nghề y; chiếc cân nằm phía trên quyển sách đang mở tượng trưng cho lẽ công bằng dựa trên cơ sở pháp luật; và cuối cùng là đường ngang (màu đỏ) dưới quyển sách tượng trưng cho việc mọi cá nhân trong xã hội đều bình đẳng trước pháp luật theo đúng tinh thần của Hiến pháp” – ông cho biết.

Được biết, bản thiết kế logo của TS. Vũ Dương đã vượt qua các bản thiết kế khác và được lựa chọn để sử dụng cho đến ngày hôm nay, nhưng “cha đẻ” của nó không hề có suy nghĩ đòi quyền tác giả, bản quyền. Bởi, với ông “được làm giám định viên pháp y cống hiến cho việc phụng sự công lý và được góp tặng một phần trí tuệ của mình cho ngành nghề mà mình yêu quý đã là điều hạnh phúc không gì đo đếm được”.

Đọc thêm