Tự hào chèo
Đúng như nghệ sĩ ưu tú Minh Thu - một trong những nghệ sĩ chèo nổi tiếng hiện nay nói rằng, chèo phải nghe, phải xem trực tiếp mới cảm nhận hết cái hay của nó. Những vở chèo cổ đầy ám ảnh, làm nức lòng biết bao khán giả nhiều thời đó là: Bài ca giữ nước, Đồng tiền Vạn Lịch, Lưu Bình Dương Lễ, Nghêu sò ốc hến, Quan Âm Thị Kính, Từ Thức gặp tiên... thì đến nay vẫn được yêu thích. Niềm đam mê chèo của người dân Việt được thể hiện trong các câu thơ sau: “Ăn no rồi lại nằm khoèo/ Nghe giục trống chèo vỗ bụng đi xem/ Chẳng thèm ăn chả ăn nem/ Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”.
Hay, trong thơ Nguyễn Bính đã có những câu thơ rộn ràng chất xuân, hội hè: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy/ Hội chèo làng Ðặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”. Từ bao đời nay hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt Nam, nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc bởi cái chất trữ tình đằm thắm sâu sắc. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: ca, vũ, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo.
Chèo phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh và sân khấu Nhật Bản là kịch nô thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo.
Không giống tuồng chỉ ca tụng hành động anh hùng của các giới quyền quý, chèo còn miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Nhiều vở chèo còn thể hiện cuộc sống vất vả của người phụ nữ sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ tích truyện Nôm, được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc.
Trong chèo, cái thiện luôn thắng cái ác, các sỹ tử tốt bụng, hiền lành, luôn đỗ đạt, làm quan còn người vợ thì tiết nghĩa, cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng. Các tích trò chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là thơ dân gian.
Nghệ sĩ hài Xuân Hinh trong một vở chèo (Ảnh từ internet) |
Và nước mắt chèo
Thế nhưng, không thể không nói đến chuyện giờ đây lớp trẻ dường như xa rời chèo. Nhiều diễn viên trẻ của các nhà hát chèo phải chạy sô, làm nhiều việc khác để kiếm sống. Lương của họ không đủ sống, tiền bồi dưỡng một đêm diễn, thậm chí chưa đủ một bao thuốc. Trong khi, nhiều ca sĩ hát một bài đã thu về cả chục triệu đồng. Giới trẻ ngày nay nô nức với những dòng nhạc sôi động như Hiphop, Pop, Rap... những loại hình nghệ thuật liên quan nhiều đến hình thể như múa thoát y, múa cột, nhảy đầm... Họ coi chèo là loại hình xa lạ, kém hấp dẫn, không phù hợp với thời hiện đại.
Chèo cũng được an ủi, vì còn có nhiều nghệ sĩ tha thiết với chèo. Họ coi chèo là lẽ sống, là linh hồn của mình. Họ ra sức phát huy, gìn giữ, đưa chèo vào đời sống nhân dân, để chèo sống mãi. Đi nhiều vùng đất, tôi còn nhận ra nhiều làng chèo vẫn phát triển, vẫn yêu đời, cất lên tiếng hát. Như chèo làng Khuốc (Thái Bình), làng chèo Trung Lập, chèo Tàu Tân Hội (Hà Nội), làng chèo Thiết Trụ (Hưng Yên), Câu lạc bộ chèo Thái Bình (xã Ya Ly, huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum)...
Thế nhưng so với sự thay đổi chóng mặt của xã hội, nghệ thuật chèo vẫn đang bị lép vế. Chúng ta làm sao không đau lòng, khi nhiều em nhỏ đã biết học đòi nhảy múa theo lối tây hóa, mà hỏi đến chèo, tuồng là gì chúng chưa từng nghe nói. Chúng ta hãy yêu lấy chèo, hãy dạy cho con cái chúng ta yêu lấy chèo, để yêu lấy những điều đẹp đẽ, giản dị trong kho tàng văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Và để mỗi mùa xuân đến, chúng ta vui vì có chèo, vì chèo mà xuân thêm ý nghĩa, tròn trịa.